Tôn sư trọng đạo

- Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Thầy giáo được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò học, noi theo. Ngày nay quan tâm đến người thầy là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của mỗi người chúng ta. Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 chính là ngày thể hiện đạo lý ngàn năm ấy.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác giáo dục. Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, Nhà nước non trẻ của chúng ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thế nước ở trong tình trạng “nghìn cân treo sợi tóc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 loại giặc phải đối mặt lúc bấy giờ là giặc đói, giặc ngoại xâm và giặc dốt. Trong 3 loại giặc này thì giặc nào cũng nguy hiểm, đòi hỏi dân tộc ta cũng phải chiến thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” nên ngày 8/9/1945 Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ.

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam, Bác Hồ thiết tha căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần vào công học tập của các cháu”. Người luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo Người nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất...”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục đào tạo chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, cả hệ thống chính trị cùng chăm lo cho công tác giáo dục. Ở tỉnh ta, sự nghiệp  giáo dục và đào tạo của tỉnh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành. Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đối với giáo viên, học sinh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn đã đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ được nâng cao, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên, trường lớp học ngày càng hợp lý. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2025 như: Tiếp tục sắp xếp lại hệ thống trường, lớp học cho phù hợp, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường ngoài công lập; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có học sinh tham gia kỳ thi lập đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đi thi quốc tế; toàn tỉnh có ít nhất 20% học sinh học tại các trường nội trú, bán trú; nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên trên 53% đối với bậc mầm non, 70% đối với bậc tiểu học và THCS và trên 35% đối với bậc THPT... Xác định mục tiêu, tỉnh cũng nêu những giải pháp cụ thể, trong đó giải pháp đầu tiên và quan trọng là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tâm huyết với nghề.

Điều đó khẳng định, người thầy trong xã hội ngày nay vẫn phải là chuẩn mực của đạo đức, nhân cách và trí tuệ. Đặc biệt, khi xã hội phát triển, khoa học công nghệ đạt được những thành tựu to lớn, khi thế giới bước vào thời đại công nghệ 4.0 thì người thầy phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để bắt kịp với thời đại, đáp ứng được những nhu cầu  ngày càng cao về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ngày nhà giáo Việt Nam ra đời đã 40 năm. Sau mỗi dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, toàn ngành Giáo dục, từng thầy cô giáo đã được động viên khích lệ, về cả vật chất lẫn tinh thần để vượt qua khó khăn gian khổ, thi đua dạy tốt, rèn luyện phẩm chất trong sáng để “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.                              

Hải Yến

Tin cùng chuyên mục