Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội, cơ bản vẫn bằng hình thức trực tiếp, chi trả bằng tiền mặt, dẫn đến chưa bảo đảm tính đồng bộ giữa các địa phương, chưa có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực ngoài Nhà nước tham gia vào cung cấp dịch vụ công; chậm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành chính sách.
Bên cạnh đó, việc theo dõi, quản lý và chi trả cho các đối tượng chưa thống nhất, đồng bộ theo thời gian thực giữa trung ương và địa phương nên việc chi trả cho các đối tượng vẫn còn tình trạng chậm, trùng lĩnh đối tượng.
Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả không dùng tiền mặt, ngày 25-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt đối với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội, kết nối, chia sẻ dữ liệu an sinh xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội ngay trong năm 2022...
Đây có thể coi là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Qua đó không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm công bằng, toàn diện, khẳng định quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết