Tại hầu hết những nước phát triển, truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng và bắt buộc đối với nhiều loại sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng dinh dưỡng. Tuy nhiên ở nước ta, vấn đề này chưa thực sự được chú ý bởi người dân thường hay mua sản phẩm ở những khu chợ không có người quản lý hay kiểm tra đúng quy trình.
Để giúp các doanh nghiệp sản xuất ngày càng ý thức hơn trong công việc sản xuất hàng hóa, đồng thời giúp sản phẩm và hàng hóa của Việt Nam có thể hội nhập với thế giới và dễ dàng thông quan hơn khi xuất khẩu. Tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Sau 4 năm thực hiện Đề án, hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc dần được hoàn thiện; nhận thức xã hội về truy xuất nguồn gốc được nâng cao; nền tảng hệ thống truy xuất nguồn gốc được thống nhất xây dựng.
Cùng với đó, một số bộ, ngành đã rà soát và quy định nội dung truy xuất nguồn gốc vào văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc cũng đã được xây dựng và công bố.
Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc hiện nay mới tập trung áp dụng ở một số sản phẩm nông sản thực phẩm, còn việc áp dụng truy xuất nguồn gốc một số các sản phẩm quan trọng khác, như thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, lâm sản, thủy sản chưa được quan tâm đúng mức.
Để triển khai hiệu quả Đề án, các ngành chức năng đã đề xuất giải pháp, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra cần đẩy mạnh truyền thông, phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia, các văn bản quy định liên quan đến mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc. Qua đó, giúp các doanh nghiệp sản xuất bảo vệ sản phẩm của mình khỏi những kẻ xấu muốn làm giả hàng hóa và sao chép thương hiệu. Đối với người tiêu dùng mua được sản phẩm thật, chính hãng với chất lượng được đảm bảo và giá thành cạnh tranh nhất thị trường hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết