Có thể nói, trong bối cảnh tình hình trong nước và trên thế giới đã, đang và sẽ có nhiều thay đổi trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn Đảng, toàn dân ta cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, đúng đắn, đồng bộ hơn trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Cần phải nhận thức rõ: công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội ngày càng dựa nhiều hơn vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; là phương thức quan trọng để Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Trong quá trình tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải chú ý bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh con người Việt Nam; vai trò xung kích, đi đầu của lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và đội ngũ trí thức, giai cấp công nhân hiện đại.
Việc tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một yêu cầu tất yếu khách quan trong tình hình mới; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Triển khai thực hiện Nghị quyết sẽ là cơ sở để chúng ta khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng, từng địa phương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tận dụng và phát huy lợi thế của nước đi sau và đang trong thời kỳ “dân số vàng”; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu; đẩy nhanh sự phát triển toàn diện của đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết