Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm

- Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm; nhiều tụ điểm, đường dây, băng nhóm tội phạm nguy hiểm bị triệt phá, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi công tác phòng, chống tội phạm chưa thực sự chủ động, quyết liệt; một số loại tội phạm có thời điểm gia tăng và diễn biến phức tạp; việc khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm chưa giải quyết được triệt để.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm sẽ còn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn mới tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm hơn. Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém và chủ động hơn trong công tác phòng, chống tội phạm, góp phần “Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương” như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 13-KL/TW, ngày 18-8-2021 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung, nhiệm vụ trong Chỉ thị 48, Bộ Chính trị xác định chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm là: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm.

Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên trách trong công tác phòng, chống tội phạm. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm “nêu gương”, đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đơn vị, địa phương. Xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài; lấy chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm tập trung các biện pháp phòng, chống tội phạm. Kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với những hành vi phạm tội.

Củng cố, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phản ánh khách quan, toàn diện công tác phòng, chống tội phạm. Đấu tranh mạnh mẽ, phản bác những quan điểm, tư tưởng sai trái, luận điệu xuyên tạc, thông tin không đúng sự thật về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống tội phạm. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao, hành động mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm; rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phát triển nhằm đảm bảo chặt chẽ, không để tội phạm lợi dụng hoạt động. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan bảo vệ pháp luật đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Chú trọng tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất cho lực lượng Công an cơ sở, nhất là Công an xã để kịp thời giải quyết từ đầu, từ sớm các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự nảy sinh tại cơ sở.

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục