Không “mặc đồng phục” cho nông thôn mới

- Với mục tiêu không để các xã về đích nông thôn mới “mặc đồng phục”, khi áp dụng rập khuôn theo kiểu xã này làm được thì xã khác cũng làm theo, các xã đã về đích đang tập trung tìm hướng đi riêng dựa vào đặc điểm đồng ruộng, vườn tược của bà con nông dân mình để tạo điểm nhấn!

Về đích nông thôn mới, rồi nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) đã thực sự có những thay đổi về “chất” sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Ngô Đức Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng cho biết, một trong những thay đổi lớn nhất chính là sự hình thành các mô hình sản xuất tập trung. Ông Tuyên minh chứng, nếu như 10 năm trước, cả xã chỉ có 1 hợp tác xã nông lâm nghiệp, 1 công ty thì đến thời điểm này, đã có 5 hợp tác xã nông lâm nghiệp, dịch vụ, cơ khí và 4 công ty TNHH ra đời. Không đòi hỏi nhiều hỗ trợ về vốn, thứ mà các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chỉ là được tiếp cận các cơ chế, chính sách để có thể tự chủ, tìm kiếm con đường phát triển, sản xuất kinh doanh. Ở Mỹ Bằng, xác định cây chủ lực vẫn là cây chè, dấu hiệu lạc quan là hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã này đều đầu tư dây chuyền, máy móc tập trung chế biến chè thành phẩm, bán thành phẩm để tiêu thụ nguyên liệu cho người dân.

Non trẻ nhất, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Hải Đăng do anh Phạm Văn Chiến làm Giám đốc được thành lập năm 2020. Đây cũng là hợp tác xã ra đời với sự trợ giúp của Đoàn thanh niên xã Mỹ Bằng. Anh Chiến cho biết, trước khi đến với nghề chè, mình đã từng trải qua nhiều công việc, từ thợ cơ khí, sửa chữa đến công nhân. Sau một thời gian làm việc bên ngoài, trở về quê thấy cơ hội từ sản xuất, chế biến chè vẫn còn dư địa rất lớn, anh Chiến dốc toàn lực của gia đình, vay mượn thêm để mở một xưởng chế biến có công suất 12 tấn chè búp tươi/ngày. Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Hải Đăng có 12 thành viên, diện tích liên kết bao tiêu trên 30 ha. Cách làm của anh Chiến là nhận gia công bán thành phẩm cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Một đoạn đường qua thôn Quyết Thắng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn).

Thôn Quyết Thắng được lựa chọn xây dựng thôn mẫu của Mỹ Bằng. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Quyết Thắng Vũ Đức Phương cho biết, như nhiều thôn khác ở Mỹ Bằng, Quyết Thắng cũng lấy cây chè làm cây mũi nhọn. Hơn 50 ha chè ở Quyết Thắng giờ chủ yếu là chè giống mới cho năng suất, chất lượng cao như chè Bát Tiên, PH1. Năng suất nhờ thế cũng tăng lên 15-17 tấn/ha, cao gấp đôi so với giống chè cũ. Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, mà tất cả diện tích chè của bà con trong xã đều áp dụng theo đúng tiêu chuẩn sạch. Nhờ thế mà giá thu mua của các doanh nghiệp chè đối với sản phẩm chè búp tươi của bà con dẫu thời điểm khó khăn vì dịch bệnh vẫn đạt xấp xỉ 40 nghìn đồng/yến. Quyết Thắng cũng được đánh giá là thôn có tuyến đường đẹp nhất với hàng cây tùng thẳng tắp trồng dọc 2 bên tuyến đường của thôn. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vũ Đức Phương tự hào, mặt bằng chung của hầu hết các thôn ở Mỹ Bằng đều ngang nhau, nên khi được lựa chọn xây dựng thành thôn mẫu, Quyết Thắng đã tuyên truyền đến từng hộ dân, để bà con được biết, được bàn, được cùng góp công xây dựng. Giờ không cần phải vận động nhiều, tháng nào hơn 100 hộ dân ở thôn cũng đồng loạt ra quân vệ sinh đường làng ngõ xóm, đảm bảo môi trường phong quang, sạch đẹp, xứng đáng là thôn mẫu, là vùng quê đáng sống.  Với những xã nằm trong thành phố - địa phương đầu tiên hoàn thành huyện nông thôn mới của tỉnh - việc xác định điểm nhấn, nhất là với các thôn mẫu cũng được xác định cụ thể, rõ ràng.

Như thôn 7, một thôn nằm bám trục đường quốc lộ của xã Lưỡng Vượng (thành phố Tuyên Quang), thì việc tập trung bảo vệ, giữ vững tiêu chí môi trường được đặc biệt coi trọng. Đồng chí Lê Quang Phúc, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cho biết, mặc dù đã hợp đồng với Hợp tác xã Thanh Bình nằm ngay trên địa phận thôn thu gom rác thải, nhưng do thói quen, việc để rác thải không theo giờ giấc, không phân loại rác tại nguồn khiến vấn đề môi trường của thôn không được như mong muốn. Sau khi được hướng dẫn về việc phân loại rác tại nguồn, thôn 7 họp phổ biến, lấy ý kiến đến từng hộ dân, đồng thời thành lập các tổ tự quản để giám sát vấn đề này ở từng nhóm hộ, mỗi tổ có một đồng chí đảng viên làm thành viên giám sát, đôn đốc. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lê Quang Phúc cười, nhờ cách làm này mà thôn 7 giờ được đánh giá là thôn có môi trường xanh, sạch, đẹp nhất Lưỡng Vượng. Trách nhiệm của từng người dân đối với việc giữ vệ sinh môi trường cũng được nâng lên rõ rệt.

 Vườn mẫu của gia đình anh Hoàng Văn Trường (người bên trái ảnh), thôn 8, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang).

Cách làm này cũng được thôn 7 áp dụng vào việc kêu gọi xã hội hóa, vận động các tổ chức, đảng viên và nhân dân đóng góp để hoàn thiện thêm nhiều hạng mục của thôn. Như xây dựng cổng chào, hoàn thiện hạ tầng cho nhà văn hóa, làm đường điện chiếu sáng, làm mới hệ thống cột cờ cho người dân…

Đồng chí Trần Đăng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lưỡng Vượng cho biết, bên cạnh việc chuyển đổi dần nghề nghiệp cho người dân khi tốc độ đô thị hóa đang phát triển nhanh ở xã, Lưỡng Vượng xác định, nông nghiệp vẫn là “chỗ dựa” cho người nông dân. Nhưng không sản xuất đại trà nữa, Lưỡng Vượng tập trung hình thành các vườn mẫu nông thôn mới, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí nông nghiệp trong đô thị. Năm 2020, xã có 2 vườn mẫu được công nhận, năm nay đang tiếp tục hỗ trợ thêm 3 vườn để đạt các tiêu chí này. Theo ông Quang, cơ bản các vườn đều đã đạt các tiêu chí về sản phẩm, môi trường, cảnh quan, thu nhập, xã chỉ hỗ trợ thêm về quy hoạch và lập quy hoạch, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Khu vườn của anh Hoàng Văn Trường, thôn 8 được công nhận là vườn mẫu nông thôn mới năm 2020. Cả khu vườn hơn 1 ha, trồng hơn 200 gốc bưởi Soi Hà, áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP xanh mát, ngăn nắp và hứa hẹn bội thu. Anh Trường cho biết, năm trước vườn bưởi cho trên 4.000 quả, thu về hơn 25 triệu đồng, năm nay dự kiến sẽ tăng thêm 1,5 đến 2 lần.  

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, hiện việc xây dựng nông thôn mới đang dần chuyển mạnh về “chất”, khi có sự trợ lực của rất nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn như Mỗi xã một sản phẩm, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, các chương trình đầu tư kênh mương nội đồng, đường nội đồng, đường vào vùng sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ... Chính vì vậy, các xã xây dựng nông thôn mới cũng tập trung vào chính các thế mạnh của xã mình, để tạo điểm nhấn cho địa phương. Muốn không “mặc đồng phục” thì phải đổi mới, sáng tạo! Tỉnh có cơ chế mở đường, xã sáng tạo, linh hoạt để hiện thực hóa chủ trương, giải pháp. Không “mặc đồng phục” đơn giản là vậy thôi!

Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục