Nỗ lực với từng khán giả
Đã nhiều năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện các chương trình “Chắp cánh niềm tin”, “Bay lên những ước mơ” với hàng trăm buổi diễn phục vụ thiếu nhi cả nước. Nhà hát còn thành lập câu lạc bộ sân khấu trẻ tụ hội những khán giả quen thuộc. Các thành viên câu lạc bộ được hưởng nhiều ưu đãi, được ưu tiên xem trước chương trình mới của nhà hát và đóng góp ý kiến để tác phẩm đáp ứng thị hiếu công chúng. Nhờ đó, Nhà hát Tuổi trẻ thường xuyên “sáng đèn”, có lượng khán giả tăng dần.
Thêm nữa, để "giữ chân" khán giả ở lại với sân khấu, Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung, Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ kể, nhiều đêm diễn ông đứng quan sát khán giả. Bất cứ ai bỏ về giữa chừng ông đều đi theo để hỏi nguyên nhân. Nếu vì vở diễn chưa đủ hấp dẫn, ông sẽ xin ý kiến để hoàn thiện và hẹn họ đến buổi sau để xem những thay đổi. “Phải tôn trọng, giữ từng khán giả bằng nhiều cách khác nhau, đặc biệt là chất lượng các vở diễn, thì sân khấu mới tồn tại được”, Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung khẳng định.
Dù đã có được lứa khán giả nhỏ tuổi đều đặn, song Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn chuyển mình bằng những vở diễn mới mẻ, như: “Nàng tiên cá”, “Phù thủy đại chiến”, “Hà Nội của những giấc mơ”…, đồng thời kết hợp các loại hình nghệ thuật để mở rộng đối tượng khán giả. Mới đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam “bắt tay” với Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện vở diễn “Cây gậy thần” kết hợp giữa nghệ thuật xiếc, cải lương và đã thu hút đông đảo công chúng.
Sân khấu Lệ Ngọc đang là điểm hẹn thưởng thức nghệ thuật hàng đầu của Thủ đô, có không ít vở diễn “cháy vé”, như: “Tấm Cám”, “Thị Nở - Chí Phèo”, “Cuộc chiến Covid”... Theo Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc, phải trân trọng đặt khán giả làm trung tâm thì mới xây dựng được tác phẩm nghệ thuật chất lượng. Sau mỗi buổi diễn, đại diện Sân khấu Lệ Ngọc đều mời khán giả ghi phiếu chia sẻ cảm xúc và góp ý để các nghệ sĩ điều chỉnh phù hợp.
Về phía sân khấu truyền thống, nhiều năm qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam kiên trì đến các trường học để giới thiệu và biểu diễn phục vụ khán giả trẻ. Nhà hát Chèo Việt Nam cũng xây dựng “Chiếu chèo” vào tối thứ sáu hằng tuần dành cho diễn viên trẻ tiếp cận khán giả trẻ. Còn Nhà hát Chèo Hà Nội mở chuỗi chương trình “Hà Nội đêm thứ bảy” và “Long thành diễn xướng” thành điểm hẹn cho khán giả yêu nghệ thuật chèo…
Là khán giả thân thiết của sân khấu Thủ đô, chị Nguyễn Thị Hòa (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) chia sẻ: “Tôi thường xuyên đưa con đến các sân khấu để thưởng thức nghệ thuật bởi sân khấu hiện nay đã có nhiều thay đổi, phù hợp với thị hiếu khán giả”.
Việc xây dựng các chương trình, vở diễn hấp dẫn, phù hợp sẽ giúp thu hút đông đảo khán giả. Trong ảnh: Một cảnh trong chương trình ca nhạc, hài kịch thiếu nhi “Trống Choai đi đâu thế?” của Nhà hát Tuổi trẻ.
Chiến lược bài bản, đồng bộ
Tuy đã có những tín hiệu tích cực, nhưng sân khấu hiện nay vẫn chưa hoạt động đều đặn và thu hút được đông đảo khán giả. Theo Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, nghệ thuật cũng như các lĩnh vực khác, phải thông qua sự học hỏi, tìm hiểu mới có thể thẩm thấu và tiếp thu giá trị. Vì vậy, cần đưa nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng tiếp cận với khán giả ngay từ khi họ còn nhỏ. Từ đó sớm khơi dậy tình yêu sân khấu trong mỗi người. Cùng quan điểm, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho rằng, việc xây dựng lượng khán giả thường xuyên cho sân khấu là trách nhiệm của từng nghệ sĩ sân khấu cũng như đơn vị nghệ thuật để tạo dựng tương lai vững bền cho sân khấu nước nhà.
Nắm bắt được yêu cầu bức thiết đó, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam triển khai đề án “Xây dựng và đào tạo khán giả cho sân khấu”. Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, đề án sẽ hướng đến xây dựng và đào tạo khán giả tại các trường học. Khác với dự án “Sân khấu học đường” do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) từng triển khai trước đây nhằm phát hiện, đào tạo nhân tố mới cho nghệ thuật thông qua việc dạy các em biểu diễn, đề án “Xây dựng và đào tạo khán giả cho sân khấu” đưa nghệ thuật tiếp cận các em nhỏ, giúp cho các em thấy cái hay, cái đẹp của từng bộ môn nghệ thuật sân khấu để từ đó các em yêu thích và hình thành thói quen thưởng thức nghệ thuật. Các đơn vị, nghệ sĩ chuyên nghiệp sẽ trực tiếp đưa nghệ thuật đến với trường học để giới thiệu và biểu diễn.
Giai đoạn đầu, đề án sẽ triển khai thí điểm tại các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, ở cả ba cấp học phổ thông. Trong đó, tại Hà Nội sẽ đưa nghệ thuật chèo và kịch nói tiếp cận học sinh, tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ là môn nghệ thuật cải lương, còn Đà Nẵng là nghệ thuật tuồng. Sau một thời gian thực hiện, đề án sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và hình thành mô hình để triển khai trên cả nước.
Có chiến lược bài bản, phù hợp, triển khai đồng bộ, với sự chỉ đạo sát sao của cơ quan chức năng, sự chung tay của các đơn vị nghệ thuật, nhà trường, gia đình và toàn xã hội trong việc xây dựng và đào tạo khán giả, sân khấu Việt Nam sẽ phát triển bền vững và phát huy giá trị.
Gửi phản hồi
In bài viết