Xóa bỏ định kiến giới ngay từ những hành vi nhỏ

- Thực tế, chúng ta có những định kiến về giới mà vô tình không biết. Những hành vi nhỏ đến từ cách suy nghĩ truyền thống tạo ra định kiến, rào cản dẫn đến bất bình đẳng giới.

Trong gia đình người bà, người mẹ thường dạy con gái làm mấy việc lặt vặt như quét nhà, phụ mẹ nấu cơm, đôi lúc cầm giúp mẹ một vài thứ… chứ ít khi sai con trai làm vì chỉ đơn giản “con trai đâu cần vào bếp, lớn lên sẽ có vợ lo”. Định kiến đó không chỉ tồn tại trong một bộ phận gia đình mà còn thể hiện ngay cả môi trường giáo dục. Trong sách giáo khoa tiểu học nhiều hình ảnh minh họa dạy trẻ làm việc nhà, giúp đỡ cha mẹ quét nhà, nhặt rau… là hình ảnh bé gái. Chính những điều tưởng chừng đơn giản như vậy đã khiến cho trẻ hình thành lối suy nghĩ không tích cực ngay từ khi còn bé. Các trẻ nam mặc nhiên cho rằng: “Việc giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà là việc của con gái mà không phải việc của mình”.

Các nhà xã hội học khẳng định rằng, bình đẳng giới sẽ không thể trở thành hiện thực khi mà thế hệ sau vẫn được phân công lao động theo những khuôn mẫu mang định kiến về giới vốn đã trở nên lỗi thời. Do đó để góp phần nâng cao vị thế của trẻ em gái, xóa bỏ bất bình đẳng giới thì cần thay đổi cách làm, cách nghĩ từ những điều nhỏ nhất ngay từ gia đình. Bởi cách hành xử của cha mẹ ảnh hưởng đến thái độ sống và tư duy của con cái. Trong đó cha mẹ cần biết giáo dục con cái chia sẻ việc nhà, chăm sóc các thành viên gia đình, tạo cơ hội và điều kiện cho gái hay trai đều được phát triển toàn diện. Đồng thời bù đắp cho phụ nữ những khoảng trống về thời gian khi mang thai, sinh con và tham gia các hoạt động xã hội.

Phía ngành giáo dục, sách giáo khoa cần có sự thay đổi ngay từ về hình ảnh minh họa. Trong sách giáo khoa lớp 1 không chỉ có hình ảnh cô giáo mà cần cả hình ảnh thầy giáo. Trong các tranh minh họa bài học cũng phải cân bằng giữa bé trai và bé gái; cân đối hình ảnh nam và nữ về tính chất, phạm vi hoạt động chuyên môn… Các thầy cô trong quá trình dạy học cần định hướng cho các em về bình đẳng giới. Chẳng hạn như, ngay từ bậc học mẫu giáo, giáo viên nên lồng ghép giáo dục giới tính cho các em thông qua những trò chơi. Chẳng hạn chơi búp bê, nấu ăn may vá, không chỉ là dành cho bé gái mà bé trai cũng có thể tham gia. Hoặc những trò chơi liên quan kỹ thuật như ô tô, máy bay, xe lửa… vốn nhiều người nghĩ chỉ bé trai mới chơi thì bé gái cũng có thể tham gia.

Bình đẳng giới là sự thừa nhận và coi trọng như nhau các đặc điểm giống và khác nhau giữa phụ nữ và nam giới. Không phải là sự hoán đổi vai trò của nam, nữ từ thái cực này sang thái cực khác và sự tuyệt đối hóa bằng con số hoặc tỷ lệ 50/50. Nâng cao nhận thức bình đẳng giới cần sự vào cuộc toàn xã hội. Trong đó sự thay đổi từ phía gia đình và nhà trường thông qua những hành động, bài học nhỏ về sự sẻ chia, tôn trọng phụ nữ sẽ góp phần hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ sau này và xóa đi những định kiến về giới.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục