Nhân rộng những điểm tựa của phụ nữ

- “... Tối đó, chị O. áo quần xộc xệch, tóc tai bù xù, chân không chạy tới nhà tôi. Trên người chị có vài vết thương và chảy máu. Ngồi phệt xuống nền nhà, chị  nói trong nước mắt: Anh ơi, anh giúp em với. Chồng em uống rượu say về đánh em. Em sợ lắm không dám về nhà nữa. Em muốn ly hôn...”. Nhưng đó là câu chuyện cách đây gần 2 năm rồi. Giờ anh T. chồng chị O. dường như đã thay đổi hẳn. Ông Chu Văn Quang, Công an viên, thành viên của mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở thôn Tân Phú, xã Thiện Kế (Sơn Dương) kể lại.

Điểm tựa của phụ nữ

Xã Thiện Kế có 14 thôn thì 9 thôn có trên 80% hộ là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu, Dao... Trước đây, tình trạng bất đẳng giới trên địa bàn xã còn nhiều vấn đề đáng ngại. Bởi những quan niệm, tư tưởng trọng nam khinh nữ lạc hậu, ăn sâu trong đời sống, phong tục của bà con nhân dân.

Chị Nguyễn Thị Hợp, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Tân Phú, làm dâu trong gia đình người Sán Dìu chia sẻ, những năm trước, phụ nữ làm dâu trong các gia đình người dân tộc Sán Dìu phải chịu khá nhiều nguyên tắc sinh hoạt “cứng nhắc” của nhà chồng như: Khi ăn cơm không được ngồi cùng mâm với bố chồng, anh trai chồng, không được ngồi ghế, gội đầu không được để bố chồng và anh trai chồng nhìn thấy... Họ vừa phải địu con vừa phải làm mọi việc gia đình. Không chỉ vậy, có nhiều anh chồng uống rượu say, lời qua tiếng lại là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Thực trạng đó luôn “tiềm ẩn” nguy cơ bùng lên mâu thuẫn.

Chủ tịch Hội LHPN xã Thiện Kế Mai Thị Xuyến cho biết, năm 2013, Hội tiếp tục thành lập 4 “Địa chỉ tin cậy”. Mỗi thôn đặt “Địa chỉ tin cậy” tại một hộ gia đình. Đến nay, 14/14 thôn đã xây dựng được 2 mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng. Trong gần 10 năm qua, mô hình “Địa chỉ tin cậy” gắn với mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc” đã trở thành điểm tựa giúp khoảng 35 phụ nữ yếu thế của xã thoát khỏi tình trạng mua bán, xâm hại và bạo lực gia đình.

Hội LHPN xã Thiện Kế (Sơn Dương) tổ chức Cuộc thi Gia đình Tài năng năm 2020 tạo sân chơi ý nghĩa cho các thành viên CLB "Xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Ông Chu Văn Quang, công an viên, thành viên của mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở thôn Tân Phú cho biết: “Trên tinh thần tự nguyện và uy tín của cá nhân và điều kiện của gia đình, tôi đã đứng lên đảm nhận là một “Địa chỉ tin cậy” ở khu dân cư. Với nhiệm vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày khi được yêu cầu; giúp nạn nhân của bạo lực có nơi tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp, nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình. Năm 2020, tôi đã tiếp nhận, hỗ trợ chị O. khi gia đình chị O. ở thôn có mâu thuẫn xảy ra. Tôi đã thông báo kịp thời tình hình với Chủ tịch UBND xã, Công an xã để xin ý kiến chỉ đạo bảo đảm an toàn cho nạn nhân; đưa nạn nhân đến Trạm Y tế xã để sơ cứu, hỗ trợ về y tế, giúp nạn nhân ổn định về tinh thần, sức khỏe. Sau khi sự việc lắng xuống, tôi cùng các thành viên của mô hình đến nhà gặp gỡ trực tiếp để hòa giải, phân tích cho 2 vợ chồng chị O”.

Sau khi được các thành viên của “Địa chỉ tin cậy” đến tuyên truyền, hòa giải, chị O. không còn nghĩ đến ly hôn nữa. Vợ chồng chị tự nhìn nhận lại lỗi sai của bản thân và hiểu được rằng, để giữ gìn được hạnh phúc thì giữa các thành viên trong gia đình phải không ngừng tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Chị khoe, giờ chồng chị đã thay đổi hơn. Anh đã tu chí làm ăn. Lúc chị bận, anh đã chủ động giúp chị nấu cơm, chăn nuôi lợn, gà... để nâng cao thu nhập cho gia đình. Anh cũng tạo điều kiện cho chị tham gia các phong trào, hoạt động của phụ nữ. Thậm chí anh còn cùng chị tham gia một số hoạt động gặp mặt do Chi hội Phụ nữ tổ chức.

Cùng với các “Địa chỉ tin cậy”, mô hình CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc” thành lập từ năm 2010 đã phát huy được hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình cho hơn 200 hộ thành viên của 14 CLB. Anh Lê Văn Phượng, một hộ thành viên của CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc” thôn Thiện Tân chia sẻ, cái được lớn nhất khi tham gia sinh hoạt CLB đó là vợ chồng anh được giao lưu học tập, trao đổi kiến thức và kỹ năng xây dựng tổ ấm gia đình. Qua các nội dung tuyên truyền tại CLB, anh nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc ngăn ngừa, đấu tranh chống lại bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình. Nếu phát hiện hộ nào có biểu hiện bất bình đẳng giới, mất đoàn kết trong gia đình dẫn đến tình trạng bạo lực, gây ô nhiễm môi trường… anh sẽ thuyết phục, giúp đỡ hoặc báo cáo với các cấp ngành có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời nếu hộ đó cố tình vi phạm.

Trách nhiệm của các cấp Hội phụ nữ

Mặc dù, Nhà nước đã ban hành Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và thường xuyên được Hội Phụ nữ các cấp và các ngành chức năng tuyên truyền nhưng thực tế cho thấy, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra các vụ bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Để thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình, Hội Phụ nữ các cấp đã triển khai thực hiện “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của hơn 400 mô hình ngăn ngừa, phòng chống bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình. Ngoài ra, Hội Phụ nữ các cấp đã tổ chức hàng trăm cuộc gặp mặt, cuộc thi với nội dung liên quan đến bình đẳng giới và xây dựng gia đình hạnh phúc. Thông qua đó, Hội Phụ nữ các cấp đã tuyên truyền, phổ biến, vận động cán bộ, gia đình hội viên thay đổi nhận thức về vai trò giới, bình đẳng giới trong gia đình; chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ quyền lợi giữa vợ và chồng, vai trò của nam giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục con, phòng chống bạo lực gia đình, hỗ trợ vốn, kiến thức để chị em có điều kiện khởi nghiệp, tăng thu nhập khẳng định địa vị. Có thể kể tới như mô hình điểm “Làng quê an toàn phụ nữ và trẻ em” ở chi hội 2, Hội LHPN xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang), các CLB “Gia đình bình đẳng trong chị em dân tộc thiểu số” của Hội LHPN huyện Hàm Yên... 

Chị Nguyễn Thị Toàn, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn 2, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang), trưởng ban điều hành mô hình điểm “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” chia sẻ, từ khi thành lập với 70 hộ thành viên đến nay mô hình đã thu hút được trên 100 hộ thành viên tham gia. Qua các buổi sinh hoạt lồng ghép với Chi hội Phụ nữ, Ban điều hành đã phối hợp tuyên truyền các nội dung liên quan đến an toàn không bị bạo lực gia đình đối với trẻ em và an toàn cho phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân... Qua 2 năm triển khai, trong thôn không xảy ra tình trạng bạo lực nào với phụ nữ, trẻ em. 100% trẻ em trong độ tuổi đều đi học, được quan tâm chăm sóc. Thôn đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của 2 đội bóng chuyền hơi và 1 tổ dưỡng sinh cho phụ nữ cao tuổi. Chị em tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, khiêu vũ, giúp đỡ nhau về vốn để vươn lên phát triển kinh tế. Đồng thời, quan tâm chia sẻ kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc.

Những giải pháp tích cực, thiết thực của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã và sẽ góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân về tình trạng bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình. Từ đó xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Phóng sự: Thu Hương

Tin cùng chuyên mục