Xuất thân là con nhà “nòi” về nghệ thuật, Lâm Minh Cương có cha là NSƯT Lâm Nho, nguyên Trưởng Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh; mẹ là diễn viên múa Hà Thị Vọng đầy hương sắc một thời. Năm 1982, anh trúng tuyển âm nhạc hệ 8 năm, khoa Accordion (đàn Phong cầm) của Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Năm ấy, anh 13 tuổi. Và “con đường âm nhạc” đồng hành cùng anh từ đó đến nay.
Năm 1990, anh nhận công tác tại Đoàn Ca Múa Tuyên Quang rồi chuyển sang công tác tại Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Tuyên Quang, Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc, Trung tâm Văn hóa tỉnh Tuyên Quang. Và hiện nay, anh đang là nhạc sỹ hòa âm phối khí của Phòng Văn nghệ và Giải trí, Đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang.
Không chỉ dành tình yêu trọn vẹn, trong trẻo cho âm nhạc mà âm nhạc dường như là tố chất, là nguồn lực nội sinh sẵn có trong con người anh. Từ đam mê âm nhạc, anh có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Ngoài Accordion, Organ anh còn chơi được guitar bass, drums (trống), đàn Nguyệt… Đó là thế mạnh giúp anh xử lý đầy cảm hứng khi hòa trộn thanh âm của các loại nhạc cụ khác nhau, các bè phối khác nhau, giúp tôn lên vẻ đẹp sinh động, đa sắc của một tác phẩm âm nhạc.
Những năm đầu thập niên 90, nhạc công được đào tạo bài bản của thị xã Tuyên Quang khi ấy còn hiếm. Vậy mà ngay từ những ngày đầu ra công tác, anh đã cùng 3 nhạc công khác lập nên Ban nhạc “Tuổi xanh” đình đám một thời tại Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh. Yêu đời, say nghề, ngọn lửa ấm nóng từ trái tim dạt dào sức xuân của các anh đã chạm đến trái tim của công chúng yêu nhạc. Không chỉ tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ các sự kiện, các ngày lễ lớn của tỉnh, “Tuổi xanh” ngày ấy đã tạo được “phổ” rộng, phủ sóng trên địa bàn toàn tỉnh. Đi bất cứ nơi đâu, bất kỳ khi nào phong trào nghệ thuật quần chúng của các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong tỉnh cần là các anh có mặt; ở đâu có lời ca tiếng hát, ở đó có sự hiện diện của ban nhạc “Tuổi xanh”.
Là nhạc sỹ phối khí, thế mạnh của anh nằm ở những bản phối có chất liệu mang âm hưởng dân ca dân tộc và sở trường trong việc viết nhạc Múa. Những bản phối của anh luôn tạo sự dễ cảm nhận cho cả nhạc công, nghệ sỹ biểu diễn và biên đạo múa. Ở địa hạt này, anh là một trong số không nhiều những nhạc sỹ hoàn toàn làm chủ và khai thác tốt được tính năng của các loại nhạc cụ dân tộc, như bản phối khí các ca khúc: “Áo chàm đi hội” (Nhạc Tân Điều); Tuyên Quang quê em (Nhạc Thanh Hải. Biểu diễn Đỗ Tố Hoa); “Tuyên Quang nhớ Bác Hồ” (Thơ Lý Văn Binh. Nhạc Đinh Tiến Bình); “Núi rừng vang tiếng Páo dung” (Nhạc Vương Vình)… Khi thưởng thức các ca khúc này, người nghe luôn cảm nhận được âm hưởng của các làn điệu dân ca Tày, Nùng, Dao… thấm đẫm trong từng ca khúc.
“Bóng hồng” tri kỷ của anh là NSƯT múa Thanh Hương, Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh. Chị là một trong những nghệ sỹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú đợt đầu tiên của tỉnh. Hai con của anh cũng đang bước tiếp truyền thống nghệ thuật của gia đình. Nhưng niềm vui lớn hơn cả của anh là tình anh em, bằng hữu, tình đồng chí, đồng nghiệp khi anh luôn được những người làm nghề chân chính cũng như giới mộ điệu âm nhạc trong tỉnh trân trọng, đánh giá cao và dành cho anh những tình cảm tin yêu, quý trọng…
Hơn 30 năm công tác, gắn bó với nghệ thuật quần chúng có, chuyên nghiệp có, anh bảo: “Làm văn hóa được đi nhiều, va chạm, cọ xát nhiều, nên học hỏi, mở mang được nhiều”. Đó là những trải nghiệm thực tiễn quý giá để giờ đây, trong vai trò của một nhạc sỹ phối khí cùng một ekip sáng tạo chuyên nghiệp, anh đã và đang khai thác, chuyển tải được ngày càng nhiều hơn, đa dạng hơn những cái hay, cái đẹp trong làn điệu dân ca các dân tộc của Tuyên Quang đến với đông đảo công chúng yêu nhạc.
Gửi phản hồi
In bài viết