Tự chủ để bình đẳng

- Bình đẳng giới chính là một trong các yếu tố quan trọng để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Và để bảo đảm sự bình đẳng giữa nam và nữ thì trước hết mỗi người, nhất là nữ giới cần phải có bản lĩnh và tinh thần tự chủ. Tự chủ đối với phụ nữ còn là tự làm chủ về kinh tế, công việc, thân thể và không phụ thuộc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Chuyển biến tích cực

Nhận thức được tầm quan trọng của bình đẳng giới, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới.

Các đại biểu nữ tỉnh Tuyên Quang với các nữ đại biểu tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Những nhiệm kỳ gần đây, Tuyên Quang luôn có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt tỷ lệ cao so với các tỉnh trong cả nước. Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của công tác cán bộ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ nữ. Đặc biệt coi trọng vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị quan tâm, chăm lo đến công tác cán bộ nữ, nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực công tác. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ nữ tham gia BCH Đảng bộ tỉnh đạt 29,2%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện và tương đương đạt 21,5%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cơ sở đạt 27,69%. Cán bộ nữ tham gia đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026 chiếm 66,67%, đại biểu HĐND tỉnh chiếm 41,82%, đại biểu HĐND cấp huyện chiếm 35,44%, đại biểu HĐND cấp xã chiếm 33,49%. Cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh chiếm 20,34%. Toàn tỉnh có tỷ lệ đảng viên nữ chiếm 39,07%.

Công tác bảo vệ phụ nữ, phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái được chú trọng. Từ năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các “Địa chỉ tin cậy”, đường dây nóng về hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư; thành lập “Cơ sở hỗ trợ, tư vấn nạn nhân bạo lực gia đình” tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, hướng dẫn việc bố trí nơi tạm lánh, tư vấn và điều trị cho nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở y tế xã. Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh những năm qua đã tạo sự chuyển biến tích cực trong thay đổi nhận thức, quan điểm về vai trò của nữ giới.

Nếu tới thôn Uổm Tưởn, xã Hùng Đức (Hàm Yên) vào các buổi tối sẽ thấy không khí hết sức sôi nổi, cười vui của các chị em trong thôn hòa trong tiếng nhạc dân vũ. Chị Hà Thị Hương, Bí thư Chi bộ thôn cho biết, ban ngày làm lụng, buổi tối các chị em vẫn dành thời gian để tham gia khiêu vũ thể thao. Nhiều gia đình, chồng ở nhà trông con để tạo điều kiện cho vợ tham gia hoạt động này. Chị Hương chia sẻ, chồng chị làm giáo viên, chị vừa làm công việc của thôn vừa phát triển kinh tế tại gia đình. Với diện tích rừng gần 10 ha nên sau khi hết giờ dạy học, chồng chị lại cùng chị chăm sóc đồi rừng. Những hôm chị bận bịu với việc thôn, chồng chị cũng vui vẻ đỡ đần việc nhà. Chị Hương chia sẻ quan điểm: “Phụ nữ dù có làm công việc gì thì cũng luôn phải chủ động về mặt kinh tế, trân trọng giá trị của bản thân mình trước”.

Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình bình đẳng trong phụ nữ dân tộc thiểu số” thôn Khe Mon, xã Thái Hòa (Hàm Yên) được thành lập từ năm 2016 đến nay. Chị Đặng Thị Sen, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, Chủ nhiệm CLB cho biết, câu lạc bộ có 32 thành viên tham gia, trong đó có 20 người là nam giới. Là chủ nhiệm câu lạc bộ, chị thường tuyên truyền cho các thành viên, nhất là nam giới về công tác bình đẳng giới. Ở Khe Mon hiện nay, nhiều mô hình kinh tế như trồng rau màu, trồng rừng, chăn nuôi do phụ nữ làm chủ. Chị Sen cho rằng, muốn tuyên truyền cho nhân dân thực hiện bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, gia đình chị đã nêu gương trước. Chị Sen và chồng đều kinh doanh hàng tạp hóa, chăn nuôi tại gia đình. Từ việc nhỏ đến những việc quan trọng, anh đều bàn bạc, thống nhất với chị. Chồng chị Sen cũng thường nhận làm những công việc nặng nhọc, thức khuya dậy sớm thay cho vợ. Theo đồng chí Trần Thị Quỳnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Thái Hòa, việc thực hiện bình đẳng giới ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định, được tạo điều kiện tham gia công tác xã hội và phát triển kinh tế.

Cán bộ dân số xã Mỹ Bằng truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình đến chị em dân tộc Mông thôn Mỹ Hoa. Ảnh: Quang Hòa.

Vẫn còn khoảng lặng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới vẫn còn hạn chế và khó khăn. Bất bình đẳng giới vẫn diễn ra ở một số nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau. Không ít gia đình, dù phụ nữ tham gia đóng góp kinh tế như nam giới nhưng vẫn phải làm việc nhà nhiều hơn và không được quyết định những vấn đề quan trọng trong gia đình. Thậm chí có nơi vẫn còn bạo hành gia đình, phụ nữ không dám lên tiếng đấu tranh mà chấp nhận cam chịu. Theo số liệu của Tòa án nhân dân tỉnh, trong 6 tháng đầu năm nay, Tòa án nhân dân hai cấp đã và đang giải quyết 1.109 vụ án ly hôn, một trong những nguyên nhân dẫn tới ly hôn là do phụ nữ bị bạo hành.

Bác sỹ chuyên khoa I Hứa Văn Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế phụ trách lĩnh vực dân số - KHHGĐ huyện Lâm Bình cho biết, quá trình công tác của anh gặp không ít trường hợp, phụ nữ chưa tự quyết được và chưa quan tâm tới sức khỏe sinh sản của chính mình. Vì thế mới có chuyện dở khóc, dở cười, có chị muốn đặt vòng tránh thai khi được tư vấn lại không dám quyết. Lý do là còn về hỏi ý kiến của chồng và bố mẹ chồng. Theo bác sỹ Kiên, nguyên nhân dẫn tới bất bình đẳng giới là do quan niệm cổ hủ lạc hậu, trọng nam khinh nữ, phụ nữ chỉ ở nhà, quanh quẩn bếp núc, trẻ em gái không cần học nhiều… đã tồn tại từ xa xưa, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bất bình đẳng giới vẫn còn nên dẫn tới tỷ lệ sinh con thứ ba, mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao. Theo mức bình quân chung của cả nước từ 103 đến 107 trẻ em trai/trẻ em gái thì tỷ lệ này ở Tuyên Quang đang ở mức cao, năm 2020 là 113,5 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái.

Chị Lù Thị Rỉm, thôn Yểng, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) đã sinh được 3 con gái. Con gái lớn của chị Rỉm năm nay 14 tuổi, con gái thứ ba của chị mới lên 3 tuổi. Đông con lại là hộ cận nghèo nhưng chị Rỉm cho biết vẫn phải cố đẻ thêm một mụn con trai mới thôi. Chị Rỉm năm nay 36 tuổi nhưng dáng người, khuôn mặt trông già hơn nhiều so với tuổi. Tôi hỏi chị, sao có ba con rồi mà vẫn muốn đẻ nữa? Chị Rỉm nhìn vào xa xăm rồi nói: “Mỗi lần chồng uống rượu về lại bảo phải cố đẻ một con trai nữa. Nếu không đẻ được con trai là không biết đẻ. Cả dòng họ, ai cũng đẻ được con trai, mình không đẻ được cũng khổ lắm. Biết là đẻ nhiều thì sẽ khổ nhưng biết làm thế nào được”.

Trao đổi về công tác bình đẳng giới, đồng chí Ma Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Lợi cho biết, trên địa bàn xã hiện nay, nhiều gia đình, phụ nữ không những tự chủ được về kinh tế mà còn tích cực tham gia công tác của thôn, xã. Nhiều chị em là bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các tổ chức đoàn thể, đại biểu HĐND xã. Phong trào thể dục thể thao, văn nghệ của phụ nữ khá sôi nổi. Tuy nhiên, ở nhiều gia đình, phụ nữ vẫn chưa có quyền quyết định những công việc của gia đình. Nguyên nhân là do thu nhập chưa ngang bằng với nam giới. Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong nhiều gia đình người dân tộc thiểu số. Vì vậy, tỷ lệ sinh con thứ ba vẫn còn khá cao. Một số chị em phụ nữ tham gia công tác xã hội vẫn chưa nhận được sự ủng hộ từ gia đình...

Hội viên phụ nữ phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) luôn dành thời gian tập thể dục để nâng cao sức khỏe. Ảnh: Bàn Thanh.

Dám thay đổi tư duy và tự chủ

Theo Giảng viên Hán Thị Hạnh Thúy, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, trường Chính trị tỉnh, để có bình đẳng thì chính bản thân phụ nữ phải thay đổi tư duy về vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Phụ nữ cần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quyết định cuộc sống của mình, không phụ thuộc vào ai. Lâu nay, không ít phụ nữ vẫn có suy nghĩ rằng, phụ nữ là phải làm việc nhà, đồng áng, chăm sóc, nuôi dạy con. Chính quan điểm này là nguyên nhân khiến cho phụ nữ không thể vượt qua định kiến giới, không thể tự chủ và cũng là nguyên nhân gây nên mất bình đẳng. Vì thế phụ nữ cần phải thay đổi suy nghĩ trước tiên.

Ngoài ra, xây dựng môi trường bình đẳng giới là trách nhiệm của cả xã hội chứ không chỉ riêng vai trò của Hội Phụ nữ như quan niệm của không ít người. Cấp ủy đảng cần quan tâm lãnh đạo thực hiện các quy định của Luật Bình đẳng giới, lãnh đạo công tác quy hoạch, giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào công tác xã hội, khẳng định vai trò của mình.

Công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, chú trọng xây dựng các mô hình, câu lạc bộ bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình hoạt động hiệu quả, thực chất. Theo đồng chí Nguyễn Thị Hồng Ngoan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hàm Yên, trước đây, toàn huyện thành lập 20 Câu lạc bộ Xây dựng gia đình bình đẳng trong phụ nữ dân tộc thiểu số nhưng sau một thời gian hoạt động kém hiệu quả vì không có kinh phí hoạt động, đến nay chỉ còn 9 câu lạc bộ. Từ thực tế này cho thấy, việc xây dựng các mô hình về bình đẳng giới cần có sự đánh giá, tổng kết để nhân rộng, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Quan tâm định hướng, tư vấn nghề nghiệp, tạo việc làm cho nữ giới cũng như thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là giải pháp quan trọng để phụ nữ có thể tự chủ.

Như vậy, với tinh thần tự chủ, vượt qua những tư tưởng lạc hậu cố hữu của chính nữ giới cùng với việc triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp này sẽ góp phần xây dựng một xã hội thực sự bình đẳng, những đóng góp, cống hiến của phụ nữ sẽ được ghi nhận một cách xứng đáng.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục