Xóa “lỗ hổng” trong công tác an toàn vệ sinh lao động

- Công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn là vấn đề quan trọng giúp các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập trong việc thực hiện tại các đơn vị, doanh nghiệp dẫn đến những tai nạn, vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Tai nạn lao động vẫn ở mức cao

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn lao động dẫn đến chết người và bị thương. Như vụ tai nạn lao động xảy ra vào tháng 11-2016 tại khu vực nấu, tẩy rửa bột giấy thuộc Công ty cổ phần Giấy An Hòa khiến thợ cơ khí sửa chữa máy móc bị chết do ngã từ độ cao xuống; tháng 3-2021, tại Nhà máy Giấy Na Hang đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến ông Phạm Văn Học, Tổ trưởng Tổ cơ khí của Nhà máy bị thương nặng phải đi cấp cứu. Tai nạn xảy ra khi ông Học đang thực hiện nhiệm vụ lắp máy tại nhà máy giấy thì bị quả lô trượt chèn lên người khiến ông bị chấn thương vùng bụng...

Công nhân làm việc trong lĩnh vực khai thác mỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động.

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 177 vụ tai nạn lao động khiến 31 người chết và 73 người bị thương. Con số này cho thấy những “lổ hổng” trong thực hiện ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn tồn tại, đâu đó trong nhà máy, xí nghiệp sản xuất vẫn còn sự chủ quan trong công tác đảm bảo an toàn dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Một số đơn vị, doanh nghiệp vẫn thiếu trang bị bảo hộ lao động khi làm việc, hoặc trang bị bảo hộ nhưng chưa giám sát người lao động thực hiện, chậm báo cáo tình hình an toàn vệ sinh lao động theo quy định...

Chị Phạm Thị Hoàn ở xã Hoàng Khai (Yên Sơn) từng bị tai nạn cụt ngón tay khi làm việc tại Công ty cổ phần Chè Sông Lô (Yên Sơn) cho rằng, khi tai nạn xảy ra thì chính bản thân người lao động và gia đình là thiệt thòi nhất, kinh tế gia đình giảm sút. Công ty có hỗ trợ nhưng chỉ phần nào, còn lại về lâu dài cuộc sống của người lao động và gia đình bị ảnh hưởng nặng nề. Do vậy, trước tiên bản thân mỗi lao động phải nâng cao ý thức chấp hành bảo đảm an toàn trong lao động, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

Còn đơn vị chưa chấp hành nghiêm

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay so với tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên toàn địa bàn tỉnh, mới chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh báo cáo về tình hình tai nạn lao động hằng năm theo Phụ lục XII, Nghị định số 39/2016/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động. Cùng với đó, nội dung báo cáo tai nạn lao động còn sơ sài, ít cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm thực hiện.

Công tác điều tra tai nạn lao động tại một số các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có triển khai thực hiện, nhưng chất lượng điều tra, nội dung điều tra được phản ánh trong biên bản còn mang tính chung chung, chưa làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn lao động nên việc đề ra các biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động tương tự tái diễn ít được doanh nghiệp quan tâm thực hiện đầy đủ khiến công tác tổng hợp, đánh giá tình hình tai nạn lao động trên địa bàn toàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao, xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, xây dựng...

Công nhân Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang được trang bị đầy đủ bảo hộ khi làm việc.    

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh đã sớm triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2021 với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”. Việc tổ chức Tháng hành động nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và nâng cao năng suất lao động tại nơi làm việc.

Bà Lý Thị Hải Hiền, Trưởng phòng Lao động, Sở lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thực hiện Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2021 của UBND tỉnh về việc tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021, Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp, các huyện, thành phố… tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động. Trong đó đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về ATVSLĐ. Đồng thời chỉ đạo doanh nghiệp kiểm tra, rà soát, đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ đối với từng máy móc, thiết bị; tập huấn nâng cao ý thức, trách nhiệm về ATVSLĐ đến toàn thể cán bộ, người lao động; treo các băng rôn, khẩu hiệu, nội quy an toàn ở những vị trí dễ nhìn, dễ thấy; hướng dẫn các đơn vị tự kiểm tra công tác ATVSLĐ tại đơn vị mình…

Cùng với các giải pháp đảm bảo ATVSLĐ, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng cần thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và của tỉnh. Từ đó góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển ổn định.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục