“Không rời xa được sông nước…”
Anh ở đây lắm lúc thèm tiếng người lắm! Từ Tết đến giờ chưa về nhà, chưa gặp được vợ con đâu.
Sao anh không tranh thủ về vài hôm?
Công việc của mình đang vào guồng, về nhà mất vài ngày, yên tâm sao được!
Sau gần 2 tiếng đồng hồ đi thuyền máy chúng tôi đến với cư dân nơi làng chài thuộc địa phận xã Phúc Yên (Lâm Bình). Người dân ở đây thật thân thiện, sẵn sàng chào đón, xởi lởi với những vị khách phương xa. Cuộc chuyện trò với anh Ma Văn Chung khiến chúng tôi ngạc nhiên bởi hơn 3 tháng anh chưa về thăm gia đình. Anh Chung vốn làm nghề đánh bắt tôm cá và nuôi cá giống trên lòng hồ. Gia đình anh trước đây ở xã Thúy Loa, nay về khu tái định cư ở Lang Quán (Yên Sơn). Thế nhưng đi xa, anh vẫn nhớ nghề cũ nên một mình anh ngược nguồn trở lại nơi đây để sống giữa vùng hồ nước rộng lớn.
Gia đình chị Chúc Thị Sếnh với công việc đánh cá hàng ngày trên lòng hồ thủy điện.
Anh Chung kể rằng, những ngày đầu tiên ở đây không một bóng người, xung quanh mờ mịt cây rừng, anh kết một chiếc bè nhỏ vừa đủ để ăn ngủ ngay trên lòng hồ. Cuộc sống tuy ở chốn thâm sơn cùng cốc khá buồn tẻ nhưng bù lại nguồn lợi thủy sản dồi dào kiếm được đồng tiền dư dả. Anh đầu tư thêm nuôi cá giống, sau một thời gian thấy thu nhập ổn định, anh chọn ở lại rồi thi thoảng tranh thủ về thăm gia đình, vợ cũng qua lại thăm anh. Mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng, nuôi con cái ăn học, chi tiêu cuộc sống hàng ngày.
Năm 2006, công trình hồ thủy điện Tuyên Quang được hoàn thiện đưa vào sử dụng. Lòng hồ rộng hơn 8.000 ha chặn dòng, cá bỗng, cá lăng, cá dầm xanh, anh vũ… lớp lớp như dòng thác kéo về. Nguồn lợi thủy sản ấy đã níu chân bao người neo lại để mưu sinh, phát triển kinh tế từ nghề chài lưới. Nơi đây đã hình thành nhiều làng chài, như làng chài Bến Thủy, làng chài Phúc Yên..
Khu làng chài Bến Thủy có 10 hộ gia đình làm nghề chài lưới và nuôi cá lồng đặc sản. Nhà ít thì có khoảng 10 lồng, nhà nhiều có tới 60 lồng. Sinh năm 1989, Trịnh Văn Hà trở thành ông chủ trẻ sở hữu nhiều lồng cá nhất ở khu làng chài Bến Thủy.
Anh Hà chia sẻ, nguồn nước ở đây chảy ra từ các con suối trên rừng nguyên sinh mà tại đây lại chưa có bất kỳ nhà máy, xí nghiệp, mỏ khai khoáng nào ở gần nên rất sạch, giúp cho cá nuôi ít bị bệnh, thịt lại săn chắc, thơm ngon. Để có cá xuất bán thường xuyên anh tiến hành nuôi gối đàn. Mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng.
Ở quê mới nơi thôn Rõm, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) thế nhưng vợ chồng chị Chúc Thị Sếnh và anh Chúc Văn Tá vẫn sắp xếp 1 tháng 2, 3 lần lên đây để làm nghề. Chị Sếnh bảo, ở dưới nhà có 2 con cũng lớn rồi nên thi thoảng bố mẹ phải tranh thủ lên đây để làm nghề, vừa đánh bắt, vừa nuôi cá lồng, nuôi cá giống… Tháng dành dụm cũng được gần 20 triệu đồng.
Nguồn nước ở đây chảy ra từ các con suối trên rừng nguyên sinh mà tại đây lại chưa có bất kỳ nhà máy, xí nghiệp, mỏ khai khoáng nào ở gần nên rất sạch, giúp cho cá nuôi ít bị bệnh, thịt lại săn chắc, thơm ngon. Để có cá xuất bán thường xuyên vợ chồng anh chị tiến hành nuôi gối đàn.
“Menu du lịch” hấp dẫn
Hiện trên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang có hơn 1.300 lồng cá với hơn 100 hộ nuôi trong đó có 2 doanh nghiệp, 2 Hợp tác xã tham gia nuôi cá đặc sản với quy mô lớn, tổng sản lượng khai thác đạt trên 900 tấn/năm. Việc phát triển chăn nuôi các loài cá đặc sản như: chiên, lăng, bỗng, diêu hồng, coi… đã giúp không ít hộ gia đình có thu nhập khá.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, trung bình mỗi năm sản lượng nuôi thủy sản trên lòng hồ đạt hơn 800 tấn với nhiều loại cá đặc sản như bỗng, chiên, lăng chấm; sản lượng khai thác hơn 300 tấn... Ông Đồng Vi Quý,
Một xóm chài nhỏ trên lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, huyện thường xuyên thành lập các tổ liên ngành tuyên truyền nhắc nhở người dân khi khai thác, đánh bắt trên lòng hồ thủy điện thực hiện đúng quy định về khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy sản, sử dụng đúng kích cỡ mắt lưới, vó... đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp đánh bắt theo hình thức tận diệt.
Bên cạnh phát triển kinh tế thì các làng chài trở thành một sản phẩm du lịch trong “menu du lịch” trải nghiệm hấp dẫn trên lòng hồ thủy điện. UBND huyện Na Hang và Lâm Bình đã xây dựng kế hoạch phát triển trang trại nông nghiệp tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới phục vụ phát triển du lịch. Theo ông Cao Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình, với phương châm “Phát triển thủy sản phải gắn với du lịch”, tận dụng diện tích mặt nước để nâng cao đời sống của nhân dân, thời gian tới, huyện đẩy mạnh nhiều tua tuyến du lịch lòng hồ, hướng du khách trải nghiệm làng các làng chài.
Ông Mạc Văn Tiến, ngư dân làng chài Phúc Yên (Lâm Bình) vui vẻ nói rằng: “Thời gian qua, chúng tôi thấy xuất hiện ngày càng nhiều thuyền du lịch của huyện Na Hang, Lâm Bình và cả huyện Bắc Mê (Hà Giang) ghé thăm làng chài. Họ ngủ lại nhà bè, thuê ngư dân thịt cá, nấu cơm”.
Du khách đến đây được trải nghiệm bữa ăn homestay cùng người dân dân dã mà ngon miệng. Chị Võ Như Ngọc, một hướng dẫn viên của một công ty du lịch tại Hà Nội thường xuyên dẫn khách ở khu vực Hồ Sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Chị chia sẻ, người dân sống trên làng chài tình cảm, chân thật, hiếu khách nên ai cũng quý. Cá tôm vùng lòng hồ ngon và rẻ, chị còn hỗ trợ nhiều khách tranh thủ mua tôm về làm quà, giá khoảng 50 - 70 nghìn đồng/kg.
Anh Nguyễn Siêu, một nhiếp ảnh gia ở Hà Nội chia sẻ, khung cảnh làng chài nơi đây đẹp nhất vào khoảnh khắc hoàng hôn và bình minh. Nhà bè nổi neo đậu xung quang hồ thường được người dân lợp bằng lá cọ vừa nhẹ, vừa mát. Vào buổi chiều, ngư dân làng chài đi thả lưới, sau đó về chuẩn bị bữa cơm tối. Rau ở đây luôn có sẵn, toàn rau rừng; cá thì có đủ loại, chủ yếu là cá đặc sản như: Cá bỗng, quả, lăng, chiên, chạch, chép…Cuộc sống ở đây thật yên bình, đúng là nơi để người thành thị “đi trốn”, “chữa lành”.
Từ nơi lẩn khuất giữa lòng hồ, ngôi làng chài với những cư dân bám lấy hồ nước khổng lồ, nhận “của hồi môn” đặc biệt của lòng hồ, tạo kế sinh nhai. Đồng thời trở thành điểm đến du lịch của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.
Gửi phản hồi
In bài viết