Đứng lên từ thất bại
Dẫn chúng tôi tham quan vườn ươm giống cây giang xanh tươi, anh Biên kể, năm 2007, anh lập gia đình và được bố mẹ để lại cho mảnh đất hơn 20 ha để phát triển kinh tế. Trải qua bao năm tìm hướng đi, từ chăn nuôi lợn, cá, ngựa, cuộc sống gia đình anh khấm khá hơn mỗi ngày. Có vốn anh đổ dồn vào xây dựng, tổ chức hội đua ngựa, chọi ngựa, chọi trâu nhưng do nóng vội, dịch bệnh Covid-19 ập đến khiến anh bị thua lỗ và gánh khoản nợ lớn hơn 1 tỷ đồng.
Nhưng với khát khao cháy bỏng làm giàu, anh Biên quyết không chịu “bó tay”. Sau nhiều lần tham khảo, trăn trở, anh đã lựa chọn phát triển mô hình trồng cây giang khai thác lá. Cây giang có thị trường xuất khẩu rộng lớn, cây dễ trồng, mất ít công chăm sóc, đầu tư mà thu hoạch đều, lâu dài… Chỉ sau khoảng 6 tháng trồng, chăm sóc cây giang phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu đã cho thu hoạch lá.
Anh Đàm Thanh Biên bên vườn ươm cây giang giống của gia đình.
Cây giang rừng tự nhiên là loại thực vật rất đặc biệt, có hoa nhưng chỉ nở một lần vào cuối đời khi cây khoảng 40 đến 50 năm tuổi. Tuy nhiên, sau khi tham khảo tìm nguồn giống ở nhiều nơi, đúng dịp khi các cánh rừng giang già đạt chuẩn ở một số vùng trên địa bàn huyện Lâm Bình chuyển sang hiện tượng khuy (ra hoa đậu quả hết 1 vòng đời). Nắm bắt thời cơ này năm 2021, anh thu mua hạt rồi mang về tự mày mò ươm giống.
Với sự kiên trì, bài bản anh đã sản xuất cây giống thành công và đầu tư gần 1 tỷ đồng mở rộng vườn ươm. Qua vài tháng anh đã có vài trăm nghìn cây giống. Những cây giống tươi tốt mơn mởn là tín hiệu khởi sắc, một hướng đi tiềm năng phủ xanh những triền đồi cam đang già cỗi.
Đồi chanh đang cho thu hoạch của gia đình anh Biên.
Khai mở tương lai
Với tâm niệm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, năm 2022, bằng uy tín của mình cùng sự chủ động nguồn cây giang giống, anh Biên đã vận động, chia sẻ, liên kết với nhiều hộ khắp các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên trồng thử nghiệm 200 ha cây giang khai thác lá.
Từ các thử nghiệm trồng giang ở các địa phương, anh đã làm chủ được kỹ thuật trồng giang và nhận thấy hầu hết cây giang hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên phát triển xanh tốt. Trồng cây giang với mật độ 5 m một khóm, không cần phun thuốc, bón phân và có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau. Chỉ sau 6 tháng trồng cây giang đã cho thu hoạch lứa lá đầu tiên.
Điều anh Biên trăn trở nhất, cây cam sau nhiều năm bén đất Phù Lưu nay đã già cỗi và chết dần bởi dịch bệnh. Nhiều diện tích trước đây trồng cam nay để hoang rất lãng phí.
Để giúp người dân quê mình không bỏ trống đất và sớm có thu nhập, không chỉ bán cây giống với giá thành từ 8.000 - 10.000 đồng/cây, anh Biên đã sẵn sàng cung ứng giống cây trước và chia sẻ kỹ thuật cho các hộ có nhu cầu trồng giang. Sau khi các hộ thu hoạch chỉ phải trả lại cho anh mỗi cây giống bằng 1 kg lá giang tươi và liên kết nhận bao tiêu sản phẩm lá giang.
Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, anh đã vận động hơn chục hộ trên địa bàn xã Phù Lưu trồng hơn 100 ha cây giang. Đồng thời, liên kết, hỗ trợ cây giống trồng hơn 1.000 ha cây giang trên khắp các địa phương trong tỉnh. Năm 2023, anh cũng đầu tư thêm 500 triệu đồng mua 12 ha đất đồi gần nhà trồng cây giang.
Vườn ươm giang giống của anh Biên tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Điểm đặc biệt của cây giang là càng hái các lá to già đi thì càng phát triển và ra thêm nhiều lá mới, không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Thân cây thường được dùng làm lạt buộc hoặc bện thành dây thừng. Lá Giang có thể làm vỏ các loại bánh, chế tác hàng thủ công mỹ nghệ, làm túi, hộp đựng đồ… Thị trường xuất khẩu lá giang chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.
Dẫn chúng tôi đi thăm đồi giang trồng sau 5 tháng của gia đình đang lên xanh, anh Biên hồ hởi khoe, đồi giang này đang chuẩn bị được thu hoạch lứa lá đầu tiên rồi đấy! Cứ ba tháng, cây giang cho thu hoạch lá một lần. Cây trồng dưới 10 tháng cho khoảng 2 - 3 kg lá/lần thu; giang trồng càng lâu bụi giang càng to, cho thu từ 10 - 20kg lá/lần thu. 1 ha có thể trồng từ 400 - 500 cây giang. Với giá bán hiện tại khoảng 15.000 - 17.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm lãi trên 100 triệu đồng/ha. Đây là một nguồn thu nhập lớn cao hơn nhiều so với cây trồng nông nghiệp khác.
Là một trong những hộ đầu tiên được anh Biên hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng cây giang, anh Hoàng Văn Đoàn, thôn Trò, xã Phù Lưu vui mừng chia sẻ, được anh Biên vận động, hỗ trợ cây giang giống, anh đã cải tạo đất trồng cây giang. Đến nay, anh đã được thu hoạch 4 lần lá giang rồi. Với giá bán 17.000 đồng/1kg anh thu về hơn 40 triệu đồng.
Còn anh Nguyễn Quốc Doanh, thôn Nghiệu, xã Phù Lưu phấn khởi cho biết, được anh Biên chia sẻ và thấy được hiệu quả kinh tế nên gia đình anh cũng quyết định trồng hơn 20 ha cây giang trên đất đồi. Hiện cây giang vừa được thương lái vào tận vườn để thu mua lứa lá đầu tiên. Có thu nhập từ bán lá giang rồi, anh mừng lắm!
Không chỉ phát triển vườn ươm và trồng giang, gia đình anh Biên hiện còn trồng hơn 10 ha chanh tứ mùa. Cây chanh độ tuổi từ 2 - 7 tuổi đang cho thu hoạch. Trừ chi phí, năm vừa rồi, 10 ha chanh cho gia đình anh thu nhập gần 1 tỷ đồng. Với mô hình phát triển kinh tế của gia đình, anh Biên đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức lương 5 - 7 triệu đồng/người.
Nhìn những triền đồi giang lên xanh tốt, mầm sống đang được nảy nở từ đó và anh Biên đã góp phần khai mở tương lai cho cuộc sống của người dân vùng đất này ngày càng phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết