Hiện trên địa bàn tỉnh có 31 bến thủy nội địa, 39 bến đò ngang sông với 788 phương tiện đã đăng ký (trong đó có 231 phương tiện vận tải hành khách, 557 phương tiện vận tải hàng hóa). Nhằm đảm bảo ATGT đường thủy, Ban ATGT tỉnh cùng các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải trên các tuyến đường thủy nội địa, các bến thủy, bến đò ngang qua sông. Cùng với đó tích cực triển khai cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, cuộc vận động “Người đi đò mặc áo phao”…
Thực hiện kế hoạch số 27/KH-UBND, ngày 28-1-2022 của UBND tỉnh về triển khai công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2022, Ban ATGT tỉnh đã ban hành kế hoạch số 13/KH-BATGT, ngày 4-3-2022 về kiểm tra bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa năm 2022. Các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường thủy bao gồm vùng hồ thủy điện Na Hang, Lâm Bình và trên 2 tuyến sông chính là sông Lô và sông Gâm. Thông qua kiểm tra đã phát hiện 12 bến khách ngang sông và 3 bến bốc xếp hàng hóa không có giấy phép mở bến, 89 phương tiện chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm hoặc hết hạn đăng kiểm.
Hiện trường nơi xảy ra vụ lật đò thương tâm tại xã Xuân Vân (Yên Sơn). Ảnh: D.L
Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải cùng các lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản và yêu cầu dừng hoạt động đối với các bến thủy và các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Tổ công tác cũng xử phạt vi phạm hành chính 5 trường hợp với số tiền là 4,6 triệu đồng. Bên cạnh đó, các chủ bến, chủ phương tiện, người lái phương tiện cũng tham gia ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa và quy định của pháp luật về đường thủy nội địa.
Huyện Lâm Bình có trên 4.000 ha mặt nước thuộc vùng lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình với lưu lượng giao thông đi lại cao. Nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông đường thủy, Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an huyện Lâm Bình thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các hộ khai thác và nuôi trồng thủy sản, chủ thuyền du lịch trang bị đầy đủ thiết bị an toàn, phao cứu sinh, dụng cụ nổi… Bên cạnh đó tuyên truyền cho người dân, chủ phương tiện nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tai nạn khi tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp. Đối với các phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa như không có hoặc hết hạn đăng ký, đăng kiểm, chở quá số người quy định, người lái không có bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn... đều bị nhắc nhở hoặc xử lý theo đúng quy định.
Anh Vi Văn Hùng, chủ phương tiện vận tải hành khách tại xã Thượng Lâm (Lâm Bình) nói, để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như hành khách, anh luôn theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết. Bên cạnh đó, nhắc nhở hành khách luôn mặc áo phao, kiểm tra an toàn trước khi rời bến; thực hiện kiểm tra định kỳ phương tiện 3 tháng/lần và luôn tuân thủ quy tắc giao thông đường thủy nội địa.
Thời gian tới, để đảm bảo ATGT đường thủy, bên cạnh việc siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, các chủ tàu, thuyền và người tham gia giao thông đường thủy cần nâng cao ý thức thực hiện quy định về vận tải đường thủy, chủ động phòng ngừa và hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Gửi phản hồi
In bài viết