Xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 37,6%

Sáng 8-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.

Quốc hội cũng nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2022.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo.

Giảm 4,9% vụ án hình sự so với năm 2021

Trình bày trước Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, năm 2022, tình hình an ninh, chính trị được bảo đảm nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều nỗ lực, đảm bảo các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế.

Cụ thể, ngành Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 81.756 vụ án hình sự, giảm 4,9% so với năm 2021. Trong đó, đã phát hiện, xử lý hình sự các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực chứng khoán với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường giảm 7,6%, tội phạm về trật tự xã hội giảm 2,9%; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, tổ chức đánh bạc và tội phạm ma túy xảy ra nhiều với quy mô rất lớn. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất với 37,6%.

Đáng lưu ý, một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, năm 2023, ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành trong thực hành quyền công tố, đặc biệt là nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; giải quyết đúng yêu cầu và tiến độ các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo.

Thu hồi tiền, tài sản của 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong năm 2022, các tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%). Về các vụ án hình sự, các tòa án đã thụ lý 93.452 vụ với 178.830 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 91.312 vụ với 171.924 bị cáo; đạt tỷ lệ 97,71% về số vụ và 96,14% về số bị cáo, vượt 9,71% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội.

“Việc xét xử bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội; chất lượng tranh tụng được bảo đảm. Đồng thời, tổ chức xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm. Các tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 840 vụ, 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền trên 4.027 tỷ đồng và nhiều tài sản khác. Các tòa án cũng đã đưa ra xét xử 188 vụ với 297 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin.

Về nhiệm vụ công tác tòa án trong thời gian tới, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngành sẽ tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và vận hành hiệu quả tòa án điện tử; phần mềm Trợ lý ảo; hệ thống giám sát điều hành. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động của tòa án.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo.

Thu được gần 16 nghìn tỷ đồng trong các vụ án kinh tế

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2022, Chính phủ tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự. Cụ thể, tổng số phải thi hành án dân sự là 861.529 việc; có điều kiện thi hành 653.719 việc. Thi hành xong 539.290 việc, đạt 82,50%, tăng 6,67% so với năm 2021. Tổng số tiền phải thi hành là gần 337 nghìn tỷ đồng; có điều kiện thi hành trên 165 nghìn tỷ đồng. Thi hành xong trên 75 nghìn tỷ đồng, đạt 45,42%, tăng 14,21% so với năm 2021.

Đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã thi hành xong 1.895 việc, thu được gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021. Cùng với đó,  Bộ Tư pháp và các cơ quan thi hành án dân sự đã tiếp 7.204 lượt công dân; tiếp nhận 9.717 đơn khiếu nại, tố cáo; đã giải quyết xong 2.574 /2.649 việc, đạt tỷ lệ 97,17%.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong năm 2022 có 992 bản án, quyết định về vụ án hành chính phải thi hành, các cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án đã thi hành xong 429 bản án, quyết định. Cơ quan thi hành án dân sự đã làm việc với người phải thi hành án trong 327 vụ việc; có văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 77 vụ việc; thực hiện đăng tải công khai và theo dõi đối với 370 quyết định buộc thi hành án dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo.

Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 40,97%

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo nêu trên. Trong đó Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

Cụ thể, năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật. Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 40,97% cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa. Về tổng thể, vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,69%, trong đó tội phạm có tổ chức, tội hiếp dâm, tội phạm xâm phạm sở hữu cũng có chiều hướng giảm.

Qua thẩm tra các báo cáo trên, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung khắc phục những hạn chế được nêu trong các báo cáo thẩm tra. Trong đó, nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; áp dụng chặt chẽ các biện pháp ngăn chặn; hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới không để xảy ra trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, làm rõ những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước để có giải pháp hạn chế phát sinh vi phạm và tội phạm, nhất là trong lĩnh vực y tế, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

Đặc biệt là chú trọng biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng, liên quan đến tín dụng, ngân hàng, chứng khoán; tiếp tục chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và chỉ đạo UBND, Chủ tịch UBND các cấp thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục