An cư, lạc nghiệp
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, anh Hoàng Văn Cán ở thôn 22, xã Kim Phú kể lại quãng thời gian ban đầu đầy khó khăn khi chuyển đến nơi ở mới. Anh Cán bảo, hồi ấy, dù đã một lòng ủng hộ chủ trương xây dựng công trình thủy điện lớn nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế của đất nước, song đâu đó trong tâm trí những người dân tái định cư như anh vẫn rất bùi ngùi bởi phải rời xa quê hương, nơi có biết bao kỷ niệm của một thời ấu thơ. Đến nơi ở mới, mặc dù các hộ dân được Nhà nước cấp đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ dựng nhà… thế nhưng cũng đầy rẫy những khó khăn khi mọi người chưa thích nghi được cuộc sống mới, có người trước đây chỉ lên rừng hái măng, xuống sông đánh cá thì nay phải tìm nghề mới, nếu không vượt qua thì khó mà tồn tại được...
Gia đình anh Hoàng Văn Cán ở thôn 22, xã Kim Phú phát triển nghề mộc đem lại thu nhập khá.
Vốn trước đây đã biết đến nghề mộc, anh Cán đã mạnh dạn mở xưởng mộc. Anh không ngần ngại tìm đến các xưởng mộc của một số người dân trong thành phố để học hỏi, tích lũy thêm. Nhờ đó các sản phẩm, mẫu mã của xưởng mộc gia đình anh ngày càng được nhiều người chuộng, anh bán được hàng, có việc làm thường xuyên, thu nhập tăng dần. Đến nay gia đình anh đã xây được nhà khang trang, nuôi các con ăn học đầy đủ. Anh Cán bảo, nếu biết thích nghi, chịu khó làm ăn thì ở quê mới dễ làm ăn hơn quê cũ, điều kiện cơ sở vật chất cũng đầy đủ hơn.
Khác với anh Cán chọn nghề mộc thì gia đình anh Nguyễn Văn Thuật và chị Bế Thị Yến, dân tộc Tày lại chọn nghề làm mỳ để khởi nghiệp nơi quê mới. Từ chỗ làm mỳ theo phương pháp thủ công, anh chị đã về Bắc Giang - nơi có sản phẩm mỳ Chũ nổi tiếng - để học cách làm khô theo hướng công nghiệp. Khi làm nghề, anh chị luôn đặt chữ tâm lên hàng đầu, các sản phẩm sản xuất ra không chỉ ngon mà phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ không ngừng đổi mới, sản phẩm của cơ sở đã chinh phục người tiêu dùng và có mặt tại nhiều cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Giang... Tổng doanh thu của cơ sở đạt hơn 3 tỷ đồng mỗi năm.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, cơ sở sản xuất mỳ gạo Thuật Yến còn tạo việc làm cho hơn chục lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Chị Bế Thị Yến bảo, ngày trước ở quê cũ gia đình chị chỉ làm nông, thu nhập bấp bênh, nay về quê mới phát triển nghề mới đem lại thu nhập khá nên chị đã nhận anh em, hàng xóm vào cùng làm để cùng nhau vươn lên xây dựng cuộc sống khá giả hơn.
Người dân thôn 22, xã Kim Phú treo cờ đón Tết Nguyên đán.
Không ngừng nỗ lực để thích nghi và phát triển, nhiều hộ dân tái định cư khác của thôn 22 đã lựa chọn cho mình những hướng đi phù hợp như đi xuất khẩu lao động, đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh để tăng thu nhập cho gia đình.
Đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no
Thôn 22, xã Kim Phú hiện nay có hơn 100 hộ các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Nùng, Mường, 100% là hộ tái định cư, bà con không chỉ tích cực thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế mà còn thường xuyên giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đồng chí Ma Văn Dư, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 22 cho biết, mỗi khi có việc chung cần huy động, bà con sẵn sàng vào cuộc như hỗ trợ ngày công xây dựng nhà cho hộ nghèo, vệ sinh đường làng ngõ xóm, xây dựng công trình nông thôn mới, phòng chống dịch Covid-19... Nhờ sự đoàn kết, không ngại giúp nhau mà hiện nay, kinh tế các hộ dân trong thôn đã phát triển, toàn thôn chỉ còn 1 hộ nghèo và đang cố gắng xóa nghèo trong thời gian sớm nhất.
Gia đình anh Hoàng Văn Sang vừa được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng và người dân hỗ trợ ngày công giúp xây ngôi nhà mới. Anh Sang bảo, bản thân anh bị bệnh tật liên miên nay được Nhà nước, bà con mỗi người giúp đỡ một tay khiến anh rất cảm động. Tết này niềm vui như được nhân đôi, đó cũng chính là động lực để gia đình anh nỗ lực vươn lên trong thời gian tới.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thuật và chị Bế Thị Yến ở thôn 22 phát triển nghề làm mỳ
gạo tạo việc làm ổn định cho hơn chục lao động địa phương.
Để hỗ trợ cho các hộ dân tái định cư, xã Kim Phú đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng và Nhà nước tới các hộ dân. Nhiều người dân tái định cư đã được tham gia các chương trình tập huấn, dạy nghề, trồng trọt, chăn nuôi, hộ nghèo được tạo điều kiện nguồn vốn vay, tư vấn phát triển nghề… Mỗi năm trôi qua, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào tái định cư lại giảm bớt. Đồng chí Lưu Hồng Châm, Chủ tịch UBND xã Kim Phú cho biết, trong nhiều năm qua, thôn 22 như là một điểm sáng về tinh thần đoàn kết, vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.
Với một lòng tin yêu vào Đảng và các chính sách của Nhà nước, người dân tái định cư thôn 22 đã liên tiếp gặt hái được những thành quả mới. Cuộc sống no ấm, hạnh phúc hôm nay đã khiến bà con vơi dần đi nỗi nhớ quê cũ năm nào, tạo động lực cho bà con hăng say lao động sản xuất, góp phần chung sức xây dựng quê hương.
Gửi phản hồi
In bài viết