Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. (Ảnh: DUY LINH)
Xuất nhập khẩu và FDI tăng trưởng cao
Đề cập về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sáng 21/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Năm 2024, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp, không thuận lợi. Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 (năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu).
Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát trong điều kiện tăng lương tối thiểu ở mức cao; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Trung ương, Quốc hội cho phép.
Thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại tiếp tục có xu hướng giảm.
Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức tăng trưởng cao, là điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2024. Tính chung 9 tháng 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4% và kim ngạch nhập khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ, xuất siêu đạt gần 20,79 tỷ USD.
Tổng vốn FDI đăng ký hơn 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay, phản ánh môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Bên cạnh đó, khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; dự kiến cả năm có hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, tương đương với trước đại dịch Covid-19…
Kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng điện có bước đột phá mới (đã hoàn thành đưa vào khai thác thêm 109km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến nay lên hơn 2.021 km; khánh thành dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối sau hơn 6 tháng thi công). Hạ tầng viễn thông, hạ tầng số được thúc đẩy phát triển, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số...
Tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân; xây dựng và tổ chức hiệu quả Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong 2025”. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao…
Bên cạnh những thành tựu cơ bản nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tình hình kinh tế-xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức. Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề liên quan ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả…
Tập trung vào vấn đề chính, cốt lõi thực hiện trong năm 2025
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo. (Ảnh: DUY LINH)
Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, cục diện thế giới dự báo sẽ có những diễn biến, chuyển động, thay đổi khó lường hơn. Ở trong nước, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nhiệm kỳ.
Cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cốt lõi để thực hiện trong năm 2025.
Theo đó, cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại đầu tư chính, tình hình giá cả, lạm phát, xu hướng hạ lãi suất, giảm thắt chặt tiền tệ để chủ động có giải pháp phù hợp; bảo đảm ổn định kinh tế-xã hội trong điều kiện bất định. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường năng lực nội sinh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá.
Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số; nâng cao chất lượng lao động, năng suất lao động xã hội; phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ, cơ cấu hiệu quả nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.
Tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025 để thích ứng với những thách thức của toàn cầu. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả…
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kiên quyết khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm; tiếp tục củng cố tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác đối ngoại, củng cố nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế…
Gửi phản hồi
In bài viết