Những chiến sỹ làm nên lịch sử
Đến dự buổi gặp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, MTTQ tỉnh tổ chức, cụ Lương Minh Thủ, 94 tuổi, dân tộc Tày, thôn Cái Con, xã Nhân Mục (Hàm Yên) chia sẻ: “Anh em chúng tôi đến đây, người trẻ nhất giờ cũng hơn 80 tuổi. Nhiều thứ chúng tôi có thể quên nhưng tình đồng đội, đồng bào, đồng chí, ký ức hào hùng về Điện Biên thì không bao giờ quên, xúc động lắm”.
Tụ hội về đây có 24 đại biểu đại diện Chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn tỉnh trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và thân nhân gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Cuộc trò chuyện với chiến sỹ Điện Biên, dân công hỏa tuyến tại Chương trình Chính luận nghệ thuật “Ký ức Điện Biên” do Báo Tuyên Quang tổ chức.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã có công lao đóng góp cho Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời nêu bật niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Tuyên Quang đã thể hiện vai trò hậu phương chiến lược quan trọng. Lòng dân cách mạng kiên trung hòa quyện cùng thế núi, hình sông linh thiêng đã bảo vệ an toàn tuyệt đối trung tâm lãnh đạo kháng chiến, trung tâm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong không khí ấm áp của buổi gặp mặt, các đại biểu được ôn lại những năm tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Ký ức của những nhân vật sống, từng chiến đấu không tiếc máu xương tại cuộc chiến tranh ác liệt đã làm cho những người có mặt tại đây thêm tự hào về thế hệ cha ông năm xưa…
Cựu chiến binh Đỗ Tiến, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) năm nay 91 tuổi bồi hồi kể lại năm tháng gian lao, anh dũng ấy. Cụ được biên chế vào binh chủng cao xạ pháo, cụ đã cùng đồng đội phải kéo pháo bằng sức người vượt qua hàng chục cây số đường rừng để đưa pháo vào vị trí chiến đấu xung quanh lòng chảo Mường Thanh. Trong gian khổ vất vả, nhiều gương dũng cảm xuất hiện. Trong đó có tấm gương đồng chí Tô Vĩnh Diện đã lấy thân mình chèn pháo. Tấm gương của anh đã nhanh chóng truyền đi khắp tuyến đường kéo pháo. Đồng đội đều cảm phục, thương tiếc anh, trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, khích lệ hàng vạn cán bộ, chiến sỹ ta bước vào trận tổng tiến công và chiến thắng lẫy lừng vào sáng ngày 7-5-1954.
Hồi tưởng lại những ký ức hào hùng, cựu thanh niên xung phong Cù Thị Nga, tổ nhân dân Quyết Thắng, thị trấn Sơn Dương nói rằng, ngày đó, cả tỉnh Tuyên Quang sục sôi khí thế sẵn sàng hỗ trợ cho mặt trận Điện Biên. Nhiệm vụ chính của cụ cùng đồng đội là dùng phà để vận chuyển quân đội qua bến Bình Ca để tiếp viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Công việc nhiều vất vả, hiểm nguy rình rập thế nhưng với cụ được sống, hoạt động cho cách mạng là niềm vinh dự của cuộc đời. Hôm nay được trở về đây gặp lại đồng đội như được sống trong năm tháng hào hùng ấy.
Dư âm còn mãi...
Hòa chung với khí thế cả nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tối 4-5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Báo Tuyên Quang đã tổ chức Chương trình Chính luận nghệ thuật “Ký ức Điện Biên” với sự tham gia của các nhân chứng lịch sử, đoàn viên thanh niên, các em học sinh và lực lượng quân đội. Chương trình gồm 2 phần: Những ký ức chiến trường, đóng góp của Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến với chiến thắng Điện Biên Phủ và Phát huy tinh thần Điện Biên hôm nay.
Bằng giọng kể hào sảng, chiến sỹ Điện Biên Đỗ Tiến, Hoàng Minh Cần đã tái hiện sinh động hành trình ông cùng đồng đội chiến đấu trong những năm tháng đầy cam go và oai hùng đó.
Các chiến sĩ Điện Biên ôn lại kỷ niệm trong ngày gặp mặt.
Ông Cần tự hào kể về tinh thần quyết chiến quyết thắng của lính bộ binh - những chiến sỹ trực tiếp đánh chiếm cứ điểm đồi A1. Đặc biệt hành trình ông cùng đồng đội tạo nên khối bộc phá 1 tấn giáng vào cứ điểm vững chắc của giặc Pháp làm cho chúng sụp đổ, bộ đội ta nhân thời cơ tổng tấn công. Tất cả như một sự kỳ diệu làm nên chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta.
“Lúc tôi đi chiến đấu là cô gái mới 17 tuổi, mẹ tôi bảo ít tuổi thế có ai cho đi không, tôi bảo, nếu chúng con không đi thì ai giữ nước, mẹ tôi cười động viên con nhưng nước mắt bà cứ trào ra. 70 năm trôi qua chúng tôi luôn được Đảng và Nhà nước ưu tiên hôm nay được lên đây thì rất là khấn khởi, có thể là khỏe thêm một vài tuổi nữa...”. Đó là những lời chia sẻ đầy xúc động, chân thực của dân công hỏa tuyến Đặng Thị Phòng tại chương trình.
Với lối dẫn dắt khéo léo, MC Thu Hằng và Minh Hoàng đã khơi gợi cảm xúc cho các vị khách mời. Tại chương trình, khán giả được nghe chia sẻ của lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh, Tỉnh đoàn về trách nhiệm của lực lượng vũ trang tỉnh và thế hệ đoàn viên thanh niên thực hiện nhiệm vụ mới, viết tiếp trang sử vàng của dân tộc. Có thể thấy tiếp nối những thành công từ các chương trình Gala, Chương trình Chính luận nghệ thuật Ký ức Điện Biên của Báo Tuyên Quang đã tạo một dấu ấn đặc biệt. Đó là sự hòa quyện đầy sâu lắng giữa kiến thức, câu chuyện lịch sử với những thước phim, tiết mục văn nghệ đặc sắc, chuyên nghiệp tạo nên một dòng cảm xúc, dư vị không thể nào quên.
Em Ma Phúc Minh Quân, lớp 11B, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh chia sẻ: “Thật sự xúc động khi chúng em được lắng nghe những câu chuyện mà chính những người trong cuộc kể lại. Chúng em càng thấy được trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay phải nỗ lực nhiều hơn trong học tập, rèn luyện để sau này xứng đáng là chủ nhân của đất nước, xứng đáng với những gì cha ông đã hy sinh vì nước non này.
Trải qua 70 năm từ ngày ra trận, những bước chân của những cựu binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến năm xưa nay đã mỏi, có người phải trợ giúp trong sinh hoạt, trong di chuyển nhưng ánh mắt luôn ngời lên niềm vui ngày hội ngộ. Niềm tự hào, niềm vui của họ đang truyền lửa cho thế hệ hôm nay và mai sau, để cùng quyết tâm bảo vệ và dựng xây quê hương, đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết