Giành giật từng tấc đất
Năm nay 96 tuổi, sức khỏe đã giảm sút nhiều nhưng khi nhắc đến những trận đánh lịch sử trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, đôi mắt cụ Hà Văn Xuyên, thôn Ba Nhất, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) trở nên tinh anh lạ thường. Cụ Xuyên là một trong số ít Cựu chiến binh của Chiêm Hóa trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Giọng cụ hào sảng hơn khi kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày giành giật với địch từng tấc đất, chiến hào trên đồi A1.
Cụ Phạm Hiền (ngoài cùng bên trái), Cựu TNXP tổ dân phố Vĩnh Thịnh, thị trấn Vĩnh Lộc chia sẻ ký ức Điện Biên cho lớp trẻ.
Cụ Xuyên kể: Năm 1953, ông được lệnh gọi nhập ngũ Đại đội 634, Tiểu đoàn 910, Trung đoàn 148 đóng quân tại Lào Cai. Sau đó đơn vị đánh Pháp ở các mặt trận Tây Bắc, nước bạn Lào. Đến tháng 7-1953, đơn vị của cụ được lệnh tiến quân ra Điện Biên với nhiệm vụ đánh chiếm đồi A1. Đồi A1 lúc bấy giờ có tất cả 4 hướng lên, quân Pháp bố trí vô cùng chặt chẽ và kiên cố. Phía dưới chân đồi là tầng tầng, lớp lớp hàng rào dây thép gai dày 4 m, cao đến trên 1m, có hai xe tăng bảo vệ. Phía trên đồi, cứ 20 m, quân Pháp đặt một lô cốt kiên cố, trên mỗi lô cốt có hai khẩu đại liên “chéo cánh sẻ” đua nhau bắn phá. Cụ Xuyên nhớ lại: “Ở dưới đất thì có xe tăng quần, trên trời 4-5 chiếc máy bay liên tục ném bom, nã đạn, có nhiều lúc chúng tôi đánh chiếm được nửa quả đồi nhưng lại bị đánh bật ra. Hai bên cứ giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào ở trên đồi A1 như thế”.
Theo cụ Xuyên, đồi A1 là trận địa khốc liệt nhất, nơi chúng ta phải đánh công kiên lâu dài nhất. Trong trận đánh tại đồi A1, nhiều đồng chí, đồng đội của cụ đã ngã xuống. Mỗi mét hào, mỗi bước tiến trên đồi A1 trong suốt 38 ngày đêm chiến đấu, tiêu diệt cứ điểm này đều được đánh đổi bằng xương máu của bộ đội. Với cụ, đó là những ký ức không bao giờ phai mờ. Nhớ về những ngày đó, nhớ về những đồng đội đã hy sinh, đôi mắt cụ Xuyên ướt nhòa.
Làm tròn sứ mệnh
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công vang dội trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng đó là bản hùng ca bất diệt, khẳng định tinh thần yêu nước quật cường của dân tộc Việt Nam, không khuất phục bất cứ kẻ thù hung ác nào. Những người lính, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến luôn có mặt ở những nơi cam go nhất, gian khổ nhất, họ luôn cận kề cái chết nhưng vẫn hào sảng đánh trận, mở đường, tiếp lương, tải đạn, hàn gắn các tuyến đường phục vụ chiến dịch. Chiến tranh đã lùi xa rồi, giờ những người lính năm xưa không còn khỏe nữa nhưng mỗi lần nhắc đến thuở đôi mươi nơi chiến trường lửa đạn lại trào dâng cảm xúc.
Cụ Phạm Hiền, tổ dân phố Vĩnh Thịnh, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) năm nay 90 tuổi. Đầu năm 1954, đơn vị của cụ là một trong những Đội thanh niên làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông đèo Pha Đin trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ tham gia rất nhiều công việc như gác máy bay, phá bom nổ chậm, làm đường, khơi thông đường cho xe pháo và bộ đội lên Điện Biên Phủ. Cụ Hiền kể, đơn vị có 12 người được chia làm 3 nhóm, nhóm 1 có nhiệm vụ lên điểm cao nhất đèo Pha Đin gác máy bay, nhóm 2 nghe tiếng nổ để xác định máy bay thả bao nhiêu quả bom và nhóm 3 sửa chữa, lấp hố bom tuyến đường đèo Pha Đin để đảm bảo tối bộ đội hành quân lên Điện Biên an toàn. Đèo Pha Đin rất dốc và nhiều cua tay áo, xe pháo dài không đi qua được, đơn vị ông dùng sức người tháo pháo đưa qua chỗ cua rồi lại lắp lên xe để bộ đội đưa pháo vào chiến dịch.
Cụ Hà Văn Xuyên, chiến sỹ Điện Biên thôn Ba Nhất, xã Yên Nguyên xúc động khi nhắc về
những tháng ngày chiến đấu trên đồi A1.
Cụ Hiền chia sẻ, đó là những ngày tháng không thể quên, đó cũng là những kỷ niệm đẹp nhất, niềm vinh dự, tự hào của cả cuộc đời này. Cụ và đồng đội hạnh phúc nhất là những giây phút được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Hình ảnh Vị tướng tài ba vầng trán và đôi mắt lấp lánh như ánh sao, nụ cười hiền hậu đọng mãi trong ký ức cụ. Đó là niềm tự hào non sông, dân tộc ta đã sinh ra vị tướng lỗi lạc, đánh bại đội quân hùng hậu nhất thế giới lúc bấy giờ, lập lại hòa bình, tự do cho đất nước.
Ngày ấy, để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, cả nước ùn ùn ra trận. Không thua kém đàn ông trai tráng, các nữ dân công Tuyên Quang cũng hừng hực khí thế ra mặt trận. Cụ Đặng Thị Phòng, tổ 5, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) tự hào kể, ngày ấy đường ra mặt trận đông như ngày hội, cả làng, cả xã tham gia tải lương cho chiến trường. Hành trang mang theo của chúng tôi là sức khỏe, ý chí chiến đấu”.
Những ngày phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Phòng cùng đoàn dân công được giao nhiệm vụ gùi gạo, gùi đạn tiếp tế cho bộ đội đánh giặc. Người sau bám theo người trước, cứ thế nối nhau xuyên rừng, lội suối, trèo đèo mang lương thực ra mặt trận. Cụ Phòng kể: “Để không bị địch phát hiện, ngày chúng tôi trú trong rừng, đêm hành quân tiếp tế lương thực, đạn dược. Gian nan, vất vả thì không kể xiết nhưng không ai muốn nghỉ, không ai muốn mình tụt lại phía sau. Đèo nào khó quá, anh chị em hô hào nhau cùng cố gắng, có khi còn phải bò lên. Lúc đó, ai cũng quyết tâm, ai cũng sẵn sàng tận hiến”. Giọng cụ Phòng nghẹn lại, cụ khóc trong tiếng nấc, “bao người trẻ vĩnh viễn nằm lại chiến trường, có người giờ vẫn chưa tìm thấy thi thể, linh hồn các anh còn ở đâu đó trên mảnh đất khốc liệt ấy”.
Mãi xứng danh là Bộ đội Cụ Hồ
Trong số các cụ tham gia chiến dịch Điện Biên năm xưa, có không ít người đi tiếp trên con đường chinh chiến bảo vệ Tổ quốc cho đến ngày đất nước hoàn toàn im tiếng súng. Cũng có rất nhiều cụ chuyển công việc, phục vụ Tổ quốc trên một cương vị mới. Nhưng đến khi trở về hầu hết các cụ đều tham gia những công việc tại địa phương, giúp nhau phát triển kinh tế, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, giáo dục truyền thống cách mạng...
Cụ Phạm Hiền, tổ dân phố Vĩnh Thịnh, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) cho biết, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông chuyển ngành về công tác tại lâm trường Chiêm Hóa (tiền thân của Công ty TNHH Lâm nghiệp Chiêm Hóa), nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục tham gia chăm sóc 6 ha rừng, trồng rau, nuôi gà. Hay người lính pháo thủ Dương Văn Dư ở tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương), sau khi rời chiến trường đã dành nửa đời còn lại của mình trông coi, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ địa phương. Những việc ông làm đơn giản là để sưởi ấm cho các đồng đội của mình. Tinh thần kiên trung, mẫu mực của ông là tấm gương sáng, góp phần bồi đắp đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
70 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần, ý chí quả cảm, kiên trung của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa và các cựu TNXP, dân công hỏa tuyến vẫn như “mạch nguồn” chảy mãi, tiếp thêm lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Như lời một người lính già Điện Biên bộc bạch: “Thế hệ chúng tôi theo Đảng, theo Bác Hồ chiến đấu để giành độc lập tự do. Có độc lập, có tự do, nay phải quyết giữ gìn. Cho nên, các thế hệ CCB chúng tôi luôn sẵn sàng cùng góp sức bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền. Niềm hạnh phúc nhất của chúng tôi là vẫn còn sức khỏe để chung tay cùng con cháu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần thiết thực xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Gửi phản hồi
In bài viết