Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. (Ảnh: TTXVN)
Ưu tiên phát triển các công trình công cộng
Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có quyết định di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội ra vùng ven đô. Nhưng đến nay tiến độ thực hiện chậm trễ, gây áp lực lên hạ tầng đô thị, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chỉ ra nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ di dời các trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô Hà Nội trong phần trả lời chất vấn. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, doanh nghiệp ra khỏi khu vực nội đô lại được sử dụng để xây dựng các dự án nhà ở cao tầng, trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê, làm gia tăng áp lực về dân số và quá tải hạ tầng tại khu vực nội thành.
Vì thế, tôi đề nghị Bộ Xây dựng cần tăng cường giám sát việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời trụ sở các bộ, ngành ra khỏi nội đô Hà Nội. Quỹ đất này cần phải được ưu tiên phát triển các công trình công cộng phục vụ cộng đồng, không nên “chất tải” thêm cho khu vực nội đô vốn đã quá tải.
PHẠM VĂN THANH
(Phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Nhiều bất cập trong quản lý ứng dụng công nghệ thông tin
Phần chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông thể hiện sự quan tâm của cử tri, của dư luận và của đại biểu Quốc hội đối với lĩnh vực này, khi có đến hàng trăm đại biểu đăng ký chất vấn, tranh luận.
Thực tế trong thời gian gần đây, mặc dù có nhiều giải pháp trong việc quản lý thuê bao điện thoại, đầu số của các nhà mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác, tình trạng sử dụng các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin để chống phá, quấy rối, bán hàng trái phép, lừa đảo, quảng cáo hàng hóa sai sự thật… vẫn tiếp tục bùng lên mạnh mẽ. Nhất là trong hơn 2 năm qua, khi dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, việc sử dụng các trang mạng xã hội, thuê bao điện thoại, nền tảng trực tiếp khác… vẫn ngày càng tăng do nhu cầu xã hội chính đáng của người dân tăng lên khi việc đi lại bị hạn chế.
Theo tôi, Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng thống nhất trong sử dụng dữ liệu thông tin cá nhân một cách công khai, minh bạch. Đồng thời cần có những quy định chung, thống nhất trong sử dụng thông tin cá nhân, có chế tài mạnh, rõ ràng và minh bạch trong xử lý sai phạm khi sử dụng mạng xã hội, truyền thông, thuê bao điện thoại. Nhất là không chỉ xử lý người vi phạm, mà còn cần xử lý nghiêm các nhà mạng, các chủ tài khoản trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác khi cho phép tài khoản do mình quản lý để quảng cáo sai sự thật, quấy rối, lừa đảo, bán hàng trái phép.
NGUYỄN ĐĂNG KHÔI
(134 Nguyễn Xuân Khoát, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng)
Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã gặp nhiều khó khăn, bất cập
Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là những người trực tiếp tổ chức thực hiện toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức cấp xã quyết định trực tiếp đến sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay, việc bố trí cán bộ theo quy định ở cấp xã còn nhiều bất cập, chưa hợp lý. Đảng ủy xã không có công chức thực hiện nhiệm vụ văn phòng, phải cử công chức Ủy ban nhân dân sang hỗ trợ. Đến cuối năm, đánh giá, nhận xét về thực hiện nhiệm vụ đối với công chức giúp việc văn phòng cho Đảng ủy lại là Ủy ban nhân dân xã đánh giá. Số lượng công chức đối với cấp xã còn thiếu. Hiện tại, phụ cấp dành cho trưởng thôn, các đoàn thể cấp thôn rất thấp trong khi xã nhiều thôn vùng cao, đi lại vất vả. Thủ tục thanh toán phụ cấp thì còn rườm rà, khó thực hiện.
Tôi đề nghị Trung ương và Bộ Nội vụ quan tâm giải quyết những khó khăn, bất cập này để cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới. Đặc biệt, chú trọng nghiên cứu cơ cấu, bố trí số lượng, chức danh cán bộ, công chức xã phù hợp thực tế; bố trí giảm số lượng cán bộ và tăng số lượng công chức đối với cấp xã; nâng cao mức phụ cấp đối với các chức danh được hưởng theo quy định; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
LA TIẾN PHÓNG
(Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn)
Tình trạng lộ, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân đang diễn biến phức tạp
Thời gian vừa qua, tình trạng rao bán thông tin cá nhân diễn ra ngày một nhiều. Các đối tượng rao bán thông tin cá nhân tràn lan trên internet, mạng xã hội. Tên, tuổi, số điện thoại, nơi làm việc, thậm chí cả chức danh, chức vụ của công dân đang bị nắm giữ bất hợp pháp, thậm chí bị khai thác, lợi dụng để thực hiện các hành vi bất hợp pháp. Các cơ quan chức năng đã ghi nhận hàng trăm vụ việc liên quan đến mua bán dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Trong số đó, không ít trường hợp có thể có sự tiếp tay của những cá nhân đang làm nhiệm vụ thu thập và quản lý thông tin.
Nguyên nhân của tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân, ngoài việc ý thức bảo vệ thông tin của người dân chưa cao thì hành lang pháp lý để hạn chế tình trạng này chưa phù hợp thực tiễn. Thông tin cá nhân cần được xem là một dạng tài sản và cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý hành vi mua bán bất hợp pháp. Để khắc phục thực trạng nêu trên, tạo hành lang pháp lý vững chắc, các cơ quan chức năng cần ban hành các quy định cụ thể về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là trong bối cảnh các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến,… đang ngày càng phát triển.
NGUYỄN TUẤN MINH
(Phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
Tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức cống hiến
Trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 4/11, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trả lời các đại biểu và cử tri cả nước về vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là vấn đề được hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức rất quan tâm. Tuy nhiên, thực trạng về sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa được thực hiện khoa học, đồng đều giữa các địa phương cho nên chưa tạo ra những động lực để mỗi cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực thực hiện tốt chức trách của mình.
Cũng là một công chức, nhưng ở mỗi địa phương khác nhau thì số lượng công việc, thời gian làm việc cũng sẽ khác nhau. Có những cán bộ, công chức, viên chức đang bị quá tải với khối lượng công việc rất lớn hằng ngày, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,…
Để từng bước giúp mỗi cán bộ, công chức, viên chức ổn định công việc, cuộc sống và an tâm cống hiến, các đơn vị chức năng cần tập trung xây dựng hệ thống thể chế, chính sách khoa học, phù hợp các khu vực, địa phương. Đối với các địa phương có đông dân cư, đô thị lớn, các chính sách đặc thù đã được ban hành cần thường xuyên được đánh giá, kiểm tra để kịp thời khắc phục các bất cập, hạn chế trong công tác sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức.
NGUYỄN THỊ HÀ
(Phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh)
Gửi phản hồi
In bài viết