Dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Y Thanh Hà Nie K’đăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh trong vùng Tây Bắc.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Huy Tuấn nhấn mạnh: lễ hội là hoạt động nhằm tôn vinh, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng sự kiện di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật khèn và nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người H’Mông tỉnh Yên Bái được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tôn vinh, phát huy giá trị bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc H'Mông nói chung, nghệ thuật khèn, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người H’Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái nói riêng trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế về hình ảnh vùng đất và con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập", góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Một tiết múa khèn Mông. (Ảnh THANH SƠN)
Khèn (tiếng H’Mông gọi là "Kềnh" hay "Khềnh") là nhạc cụ độc đáo, gắn liền với hình ảnh những chàng trai dân tộc H’Mông rắn rỏi, tài hoa hiên ngang giữa đại ngàn gió núi. Cây khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, đồng thời là nhạc khí linh thiêng kết nối giữa trần gian và thế giới tâm linh, cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, phản ánh sâu sắc những sắc thái tình cảm, tâm tư cuộc sống, sự thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời làm tôn lên vẻ khỏe mạnh, dẻo dai của các chàng trai H’Mông.
Khèn được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo và tài năng của những người nam giới dân tộc H’Mông bởi những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương như: Gỗ, sặt, nứa.
Khèn có mặt ở mọi nơi trong đời sống của cộng đồng từ các nghi thức trong tang ma, cưới xin, lễ hội dân gian đến các hoạt động vui chơi giải trí truyền thống của người H’Mông. Thông qua đó, khèn nhắc nhở con cháu về cội nguồn dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống và giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc H’Mông.
Hoa văn được vẽ bằng sáp ong trên vải của người Mông là sản phẩm của lao động thủ công, đồng thời mang giá trị tinh thần đầy tính biểu tượng, gắn với nhân sinh quan, vũ trụ quan của tộc người. Các mẫu hoa văn trang trí phản ánh nhiều mặt của đời sống văn hóa cổ truyền.
Từ những mẫu hình cụ thể được tạo ra trên vải lanh đã giúp chúng ta hiểu sâu hơn về nghệ thuật trang trí, nghệ thuật tạo hình chung của cộng đồng người H’Mông.
Về cơ bản nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người H’Mông được thể hiện trên trang phục nữ, trang phục trẻ em nữ (áo và váy), địu, gối, chăn; hiện nay có thêm các sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hoàng Đạo Cương đã trao các Chứng nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đưa Nghệ thuật khèn của người H'Mông và nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người H'Mông huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong chương trình nghệ thuật với chủ đề “Thanh âm giữa ngàn mây” gồm 3 chương: Khát vọng lời khèn; Âm vang trong mây ngàn; Tiếng khèn gọi mùa xuân, đã đem đến cho khán giả một cách nhìn khái quát nhất về nghệ thuật độc đáo của đồng bào vùng cao nơi này.
Trong ngày 24/12, có các hoạt động trình diễn giã bánh dày dân tộc H’Mông của 5 đội các xã trong huyện Mù Cang Chải tham gia trình diễn giã bánh, nặn bánh để các đại biểu, du khách tham quan, trải nghiệm. Tổ chức tham quan rừng hoa Tớ dày; tổ chức bay dù lượn tại khu vực cất cánh dù lượn, bản Trống Tông, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải.
Gửi phản hồi
In bài viết