Xã Tân Long hiện có trên 1.950 ha đất rừng sản xuất, hàng năm doanh thu từ rừng đạt trên 50 tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng thu nhập của toàn xã. Năm 2024, xã có kế hoạch trồng mới 106 ha rừng, trong đó có 102,5 ha rừng tập trung, 3,5 ha rừng phân tán, trên 70% số hộ trồng rừng đăng ký nhận hỗ trợ cây giống chất lượng cao theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh. Đa phần cây giống bà con đăng ký nhận hỗ trợ là keo, bạch đàn, dổi, trám, quế.
Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Yên Sơn hưởng ứng Tết trồng cây năm 2024.
Đồng chí Hoàng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết, nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho trồng rừng vụ xuân, UBND xã đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác trồng rừng, phòng cháy rừng. Trong những ngày qua, thời tiết ẩm, mưa nhiều, UBND xã cùng lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tích cực khảo sát cơ sở, nắm bắt tình hình thực tế, hướng dẫn người dân xử lý thực bì đúng cách, thực hiện cuốc hố, chuẩn bị trồng rừng.
Năm nay, gia đình anh Trần Văn Quân, thôn 16, xã Tân Long đăng ký trồng mới 6 ha cây keo lai mô theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh. Hiện nay, gia đình anh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tập trung trồng rừng trong khung thời vụ tốt nhất, đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Quân cho biết, những năm qua, nhờ phát triển trồng rừng, gia đình anh cùng nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã được cải thiện về kinh tế. Các hộ gia đình cũng chủ động lựa chọn các giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện đất để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Công Đa là một trong những xã có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế rừng tại Yên Sơn với gần 4.900 ha rừng sản xuất. Năm 2024, xã dự kiến trồng mới 148 ha rừng, trong đó có 145 ha rừng sản xuất, còn lại trồng cây phân tán. Cùng với việc khuyến khích các hộ trồng rừng trồng các loại cây lấy gỗ lớn theo hướng thâm canh, xã cũng khuyến khích bà con nâng cao chất lượng trồng rừng theo hướng bền vững, phấn đấu đạt tiêu chuẩn FSC. UBND xã, các tổ chức chính trị - xã hội cũng tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển rừng đến bà con nhân dân, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ phát triển. Lực lượng kiểm lâm địa bàn cũng bám sát các chủ rừng để đảm bảo người dân trồng đúng kỹ thuật, đúng khung thời vụ, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Hiện nay, toàn huyện Yên Sơn có trên 66.000 ha diện tích rừng sản xuất. Những năm qua, việc phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện luôn quan tâm chú trọng chỉ đạo trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng và nâng cao chất lượng rừng trồng. Cùng với đó, chủ động đưa vào trồng các giống cây mới có năng suất, giá trị cao, nghiên cứu đổi mới phương thức trồng, chu kỳ trồng, hướng tới cấp chứng chỉ FSC cho đa số diện tích rừng trồng trên địa bàn.
Ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết, ngay từ đầu năm, huyện đã phân công các thành viên Ban Chỉ đạo trồng rừng chỉ đạo các xã thực hiện tốt các khâu chuẩn bị cho trồng rừng vụ xuân. Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cũng phối hợp với UBND các xã chủ động đảm bảo các giống cây trồng chất lượng cao phục vụ cho trồng rừng vụ xuân. Song song với công tác chuẩn bị trồng rừng, các địa phương cũng chủ động phối hợp với người dân chăm sóc và bảo vệ rừng hiện có. Để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt, người dân cũng cần tìm mua cây giống ở các cơ sở được cấp phép, không mua cây trôi nổi trên thị trường tránh gây thiệt hại về kinh tế.
Cùng với việc tích cực chuẩn bị cho trồng rừng vụ xuân, để phát triển lâm nghiệp bền vững, huyện Yên Sơn tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường giao thông, đẩy mạnh cơ giới hóa, tạo mối liên kết giữa người trồng rừng và doanh nghiệp, thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý và bảo vệ rừng, đảm bảo trồng rừng đạt hiệu quả cao.
Gửi phản hồi
In bài viết