Chị Ngô Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, Hội hiện có 28 cơ sở ở các xã, thị trấn với 335 chi hội cơ sở, trên 23 nghìn hội viên phụ nữ, trong đó có 10.669 hội viên là dân tộc thiểu số. Xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Hội đặc biệt quan tâm. Hàng năm, Hội LHPN huyện đều xây dựng kế hoạch triển khai công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của hội viên phụ nữ và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Chị Mã Thị Mai, thôn Lè, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) dạy chị em phụ nữ dân tộc Mông may trang phục truyền thống.
Hội phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện tuyên truyền, tư vấn các chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp chị em nắm bắt được các thông tin thị trường lao động, các chính sách của Đảng và Nhà nước về giải quyết việc làm và đào tạo nghề. Các ngành nghề mà hội viên phụ nữ thường lựa chọn tham gia như: nghề trồng nấm, rau sạch, chăn nuôi, làm tăm tre, may trang phục truyền thống dân tộc… đảm bảo sau khi học xong các hội viên về áp dụng được kiến thức cho gia đình phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống.
Hội LHPN xã Hoàng Khai hiện có 1.128 hội viên, trong đó có 478 hội viên là dân tộc thiểu số. Chị Phương Huyền Sâm, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, nhằm giúp hội viên là dân tộc thiểu số có điều kiện cải thiện cuộc sống, Hội tích cực tuyên truyền, hướng dẫn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đầu tư các giống cây, con có năng suất, giá trị kinh tế cao, để phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận, thay đổi nhận thức, tư duy trong phát triển kinh tế. Năm 2023, Hội phối hợp với trường Trung cấp Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, phân hiệu Tuyên Quang mở 2 lớp trồng rau sạch an toàn cho 70 hội viên là phụ nữ dân tộc thiểu số của Chi hội Núi Cảy và Yên Khánh. Việc phối hợp tổ chức dạy nghề đã giúp nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi cuộc sống, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo.
Mô hình trồng rau sạch của chị Trần Thị Thanh Hải, thôn Nghiêm Sơn, xã Hoàng Khai mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Chị Hải chia sẻ, nhờ được tham gia lớp tập huấn 3 tháng trồng rau sạch tại địa phương. Sau khi học xong chị về áp dụng mô hình tại gia đình, tận dụng lợi thế đất vườn tạp rộng hơn 6 sào, chị trồng các loại rau như: rau muống, mồng tơi, ngót, đỗ, dưa chuột theo mùa, nhờ áp dụng các kiến thức được học nên mô hình trồng rau rất hiệu quả, là địa chỉ tin cậy được khách hàng ưa chuộng.
Nhiều hội viên phụ nữ tự tạo dựng cho mình những xưởng may trang phục dân tộc truyền thống để giúp các hội viên tại địa phương có việc làm và thu nhập ổn định. Chị Giàng Thị Thu, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi năm 2019 đã thành lập xưởng may trang phục dân tộc Mông tại gia đình. Chị Thu nói, xưởng của chị đã đi vào hoạt động được hơn 4 năm, với quy mô 6 máy khâu, 1 máy ép ly, 2 máy thêu hoa văn với công suất 20 - 30 sản phẩm/giờ. Mô hình của chị tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động chủ yếu là phụ nữ dân tộc Mông, có mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2023, Hội LHPN huyện phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh mở được 10 lớp hướng dẫn học nghề trồng cây ăn quả, rau sạch cho hơn 450 hội viên phụ nữ; tuyên truyền, tư vấn xuất khẩu lao động được 28 buổi cho hơn 1.500 hội viên, phụ nữ và Nhân dân trên địa bàn. Toàn huyện có 835 lao động nữ được giới thiệu việc làm, có 127 hội viên phụ nữ đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Trong năm, toàn huyện thành lập mới được 36 mô hình phát triển kinh tế giỏi, có thu nhập 100 triệu đồng trở lên/năm tại 28 xã, thị trấn; năm 2023, có 120 hộ hội viên phụ nữ thoát nghèo.
Công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số của các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Yên Sơn trong thời gian qua đã góp phần để hội viên phụ nữ gắn bó với công tác hội, đồng thời tăng thu nhập, giúp phụ nữ xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Gửi phản hồi
In bài viết