Trẻ em gái luôn cần được quan tâm, chăm sóc (Trong ảnh: Niềm vui của phụ nữ và trẻ em gái ở Khau Tinh (Na Hang).
Trên thực tế ở nhiều địa phương, một em gái đến tuổi dậy thì đã được gia đình cho là đã sẵn sàng kết hôn, mang thai và sinh con; không được quyền quyết định bản thân. Tình trạng tảo hôn, bỏ học, bóc lột sức lao động vẫn còn xảy ra ở một số địa phương... Ở tỉnh ta, từ năm 2016 đến nay có hơn 500 trường hợp tảo hôn. Trong đó, năm 2022, toàn tỉnh có 120 trường hợp tảo hôn, 6 tháng đầu năm nay có 76 trường hợp tảo hôn.
Tỉnh ta triển khai rất nhiều hoạt động, biện pháp như chăm sóc sức khỏe sinh sản, trang bị kiến thức về giới tính, sinh sản, hôn nhân. Các chính sách và đầu tư cho giáo dục và y tế hỗ trợ cho trẻ em gái vị thành niên được quan tâm.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh thành lập 14 câu lạc bộ “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” và 12 mô hình “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Hàng tháng, các thành viên được tập huấn, tư vấn kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; được cấp phát tài liệu, khám sức khỏe và tư vấn sức khỏe sinh sản...
Giai đoạn này, Ban Dân tộc tỉnh thực hiện Đề án 498 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”. Đề án thực hiện mô hình điểm tại 7 xã Trung Minh, Hùng Lợi (Yên Sơn); Xuân Lập (Lâm Bình), Hùng Mỹ (Chiêm Hóa); Hồng Thái (Na Hang); Yên Lâm (Hàm Yên); Đông Thọ (Sơn Dương). Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động, tổ chức cho từng hộ gia đình ký cam kết không để cho con, cháu trong gia đình tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch các xã tăng cường quản lý, cung cấp thông tin, tư vấn cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn; làm thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn. Các thành viên Tổ tư vấn thôn sâu sát đến từng hộ dân để kịp thời nắm bắt trường hợp có dấu hiệu tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thì tích cực vào cuộc tuyên truyền.
Hàng năm một số trường học đều phối hợp tổ chức tư vấn và khám sức khỏe sinh sản, tuyên truyền về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho các học sinh. Những câu hỏi về vấn đề tình yêu, sức khỏe sinh sản luôn được các cán bộ y tế tư vấn, giải thích một cách dễ hiểu, giúp học sinh, đặc biệt là học sinh nữ có đủ kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vấn đề xảy ra trong cuộc sống.
Theo đồng chí Đinh Tố Uyên, Phó trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Dân số huyện Yên Sơn, hàng năm, đơn vị phối hợp với Hội LHPN xã, Đoàn thanh niên... tổ chức nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe giới tính, bảo vệ trẻ em gái trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là từ môi trường mạng xã hội. Đồng thời phát hơn 5.000 tờ rơi, treo băng zôn tại trạm y tế các xã. Đơn vị chú trọng truyền thông tư vấn sức khỏe sinh sản, phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh tại các trường THPT, THCS, bởi đây là độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, đặc biệt là các xã Hùng Lợi, Trung Minh, Kiến Thiết là những xã trong nhóm nguy cơ cao.
Nhiều năm qua công tác truyền thông về dân số luôn khẳng định và thay đổi nhận thức về ý nghĩa, vai trò quan trọng trong đầu tư, bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái. Đó là việc đầu tư trẻ em gái cũng giống như trẻ em trai, không chỉ cần thiết cho cuộc sống của các em mà còn là nền tảng quan trọng về sức khỏe, hạnh phúc gia đình, cộng đồng. Để trẻ em gái được trưởng thành một cách an toàn và bình đẳng trong xu thế phát triển hiện nay, việc trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về bảo vệ, quyền lợi cho trẻ em gái luôn cần được quan tâm, chú trọng. Đó chính là thông điệp Ngày dân số thế giới 11-7 năm 2023 muốn gửi gắm.
Gửi phản hồi
In bài viết