Tiết mục biểu diễn trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Ðề cương về Văn hóa Việt Nam-Những dấu ấn lịch sử”.
(Ảnh TRẦN HUẤN)
Những thành quả mà nền văn hóa Việt Nam có được hôm nay đều kế thừa từ các quan điểm từ bản Ðề cương này. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Tọa đàm khoa học: “Ðề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Ðảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua”. Bên cạnh đó có nhiều hoạt động sôi nổi: Tuần phim kỷ niệm tổ chức trên phạm vi toàn quốc; triển lãm ảnh; lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật với chủ đề Ðề cương về Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử...
2. Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức. Ðây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn to lớn, tri ân và tôn vinh các thế hệ nhà văn Việt Nam đã đồng hành cùng đất nước, dân tộc; những nhà văn-chiến sĩ đã có nhiều đóng góp trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước; xây dựng nền văn học, văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hội nghị tiếp tục khẳng định đường lối văn hóa, văn nghệ của Ðảng trong từng giai đoạn lịch sử, qua đó xác lập con đường đi tới tương lai của các nhà văn và thế hệ trẻ trong thời đại mới. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tham dự hội nghị và khẳng định, Ðảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất cho các nhà văn sáng tạo cũng như công bố và tôn vinh những tác phẩm văn học có giá trị, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
3. Việt Nam được bầu làm thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027. Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có 194 quốc gia thành viên. Tham gia Công ước này từ năm 1987, đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhận vị trí thành viên của Ủy ban Di sản thế giới, kể từ nhiệm kỳ 2013-2017.
Với kinh nghiệm, hiểu biết trong bảo vệ 9 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hiện có của Việt Nam cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, Việt Nam sẽ đóng góp cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước, đồng thời chia sẻ, trao đổi các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thế giới tại Việt Nam nhằm góp phần bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa và thiên nhiên cho nhân loại.
4. Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới tại Kỳ họp lần thứ 45, ngày 16/9/2003 của Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO, diễn ra tại thủ đô Riyadh nước Cộng hòa A-rập Xê-út. Với 1.133 hòn đảo đá vôi (775 đảo thuộc Vịnh Hạ Long, 358 đảo thuộc Quần đảo Cát Bà), đây được xem là bảo tàng địa chất chứa đựng những giá trị nổi bật toàn cầu, nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của Trái đất.
Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà cũng là khu vực tiêu biểu, có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển-đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển, đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa, tạo môi trường sống cho hàng nghìn loài động, thực vật quý hiếm. Ðây là di sản thế giới liên tỉnh, thành phố (Quảng Ninh-Hải Phòng) đầu tiên ở Việt Nam.
5. Du lịch Việt Nam tiếp tục bội thu với nhiều giải thưởng của Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA). Trong đó, lần thứ tư Việt Nam được vinh danh là “Ðiểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, lần thứ năm được bình chọn là “Ðiểm đến du lịch hàng đầu châu Á”, lần thứ hai được công nhận là “Ðiểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”.
Cùng với các giải thưởng dành cho du lịch quốc gia, nhiều điểm đến cấp địa phương của Việt Nam cũng được xướng tên ở những hạng mục giải uy tín, như: “Ðiểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới” (Hà Nội); “Ðiểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới” (Phú Quốc); “Ðiểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới” (Mộc Châu); “Ðiểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới” (Hà Nam). Các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế nổi tiếng cũng không ít lần đưa Việt Nam vào danh sách những điểm đến hấp dẫn của thế giới.
6. Ðội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần thứ 8 vô địch Ðại hội thể thao Ðông Nam Á (SEA Games) sau khi thắng đội tuyển nữ Myanmar 2-0 trong trận chung kết SEA Games 32 tại Campuchia tháng 5/2023. Với thành tích này, đội tuyển nữ nước ta trở thành đội tuyển nữ giàu thành tích nhất của khu vực, với bốn lần đoạt Huy chương vàng SEA Games liên tiếp, trước đó đã có một lần vô địch ba lần liên tiếp ở kỳ đại hội các năm 2001, 2003, 2005.
Trong tám lần vô địch Ðại hội thể thao Ðông Nam Á, huấn luyện viên kỳ cựu Mai Ðức Chung cũng lập kỷ lục sáu lần dẫn dắt đội tuyển đoạt ngôi vô địch. Bên cạnh thành tích thể thao khu vực, trong năm 2023, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cũng ghi dấu mốc trong lịch sử bóng đá nước nhà khi lần đầu thi đấu tại World Cup 2023.
7. Việt Nam lần đầu tiên đoạt Huy chương vàng Ðại hội thể thao châu Á (ASIAD) bộ môn bắn súng trong lịch sử tham dự đại hội. Tại ASIAD 19 tháng 10 vừa qua, xạ thủ Phạm Quang Huy tuy lần đầu tranh tài tại đấu trường đỉnh cao của châu lục đã thi đấu xuất sắc, lần lượt vượt qua những xạ thủ rất mạnh đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Ðộ, Triều Tiên, Uzbekistan. Ðây không chỉ là Huy chương vàng đầu tiên của bắn súng Việt Nam tại ASIAD mà còn là Huy chương vàng đầu tiên “giải cơn khát vàng” của Ðoàn thể thao Việt Nam tại kỳ đại hội lần này.
8. Bóng bàn Việt Nam đoạt Huy chương vàng SEA Games 32 ở nội dung đôi nam nữ sau 26 năm chờ đợi. Hai vận động viên Ðinh Anh Hoàng (21 tuổi) và Trần Mai Ngọc (19 tuổi) đã thi đấu xuất sắc và thắng cặp đôi Singapore là Zhe Yu Chew và Jian Zeng được đánh giá cao hơn hẳn với tỷ số chung cuộc 3-1 trong trận chung kết đôi nam nữ, qua đó đưa hai vận động viên của Việt Nam lên ngôi vô địch.
Thành tích này tái lập thành tích của hai vận động viên Vũ Mạnh Cường-Ngô Thu Thủy ở kỳ SEA Games năm 1997 cũng giành chiến thắng trước cặp đôi của Singapore. Ðiều đặc biệt, cả hai tay vợt trẻ Ðinh Anh Hoàng và Trần Mai Ngọc đều là học trò của huấn luyện viên Vũ Mạnh Cường và cả ba thầy trò đều đang đầu quân cho câu lạc bộ Hà Nội T&T.
9. Ðiện ảnh Việt Nam giành giải thưởng uy tín quốc tế. Tháng 5/2023, “Bên trong vỏ kén vàng” (Inside the Yellow Cocoon Shell) của nhà làm phim Phạm Thiên Ân đã thắng giải Camera vàng (Caméra d’Or) tại Liên hoan phim Cannes 2023, Pháp. Giải Camera vàng ra đời vào năm 1978 bởi Gilles Jacob và là giải thưởng lâu đời, uy tín dành cho phim truyện đầu tay hay nhất được chiếu tại một trong các cuộc tuyển chọn của Cannes. “Bên trong vỏ kén vàng” được phát triển từ phim ngắn “Hãy thức tỉnh và sẵn sàng” (Stay Awake, Be Ready) cũng do Phạm Thiên Ân thực hiện.
Phim kể về hành trình một người đàn ông phải giải quyết những bi kịch của gia đình và hành trình tìm kiếm, đoàn tụ đó khiến anh bật ra nhiều suy tư về cuộc đời. Không có nhiều yếu tố giải trí, phim đòi hỏi người xem cần phải suy ngẫm nhiều hơn về các tình tiết, câu chuyện đan xen, để từ đó có thể thưởng thức trọn vẹn tác phẩm.
10. Việt Nam đón nhiều nghệ sĩ quốc tế lưu diễn nhất từ trước tới nay. Năm 2023, nhiều ca sĩ, nhóm nhạc tầm cỡ thế giới lựa chọn Việt Nam làm điểm đến, không chỉ khiến đời sống âm nhạc thêm phong phú mà còn mở ra cơ hội học hỏi và hội nhập, góp phần tích cực vào quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam ra quốc tế. Tháng 3, Super Junior - ban nhạc “huyền thoại K-Pop” tổ chức World Tour Super Show 9 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 6, SEEN Festival tại Hội An (Quảng Nam) bùng nổ với hàng loạt nghệ sĩ giải trí Hàn Quốc như Taeyang (BIGBANG), BoA, Aespa, Hyoyeon (SNSD), KARD...
Tháng 7, nhóm nhạc nữ Hàn Quốc thành công nhất thế giới BlackPink tổ chức hai đêm diễn tại Sân vận động quốc gia Mỹ Ðình (Hà Nội). Tháng 11, nghệ sĩ saxophone Kenny G với nhiều bản nhạc bất hủ được yêu mến toàn cầu biểu diễn trong chương trình “Kenny G Live In Vietnam” (thuộc dự án âm nhạc quốc tế “Good Morning Việt Nam” do Báo Nhân Dân khởi xướng, tổ chức). Tiếp đó, ban nhạc Westlife - thần tượng của nhiều người yêu âm nhạc US-UK lưu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 12, ban nhạc nổi tiếng nước Mỹ Maroon 5 trình diễn tại Phú Quốc (Kiên Giang)...
Gửi phản hồi
In bài viết