Vượt khó dựng thương hiệu
Cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn Nguyễn Thị Thùy, sinh năm 1993 là chủ của tiệm may Thùy Dương nằm trên con đường kế bên chợ Tam Cờ. Ít người biết rằng, để có được thành quả của ngày hôm nay là sự cố gắng, nỗ lực vun đắp hơn chục năm qua của cô gái còn rất trẻ tuổi. Sinh ra trong gia đình khó khăn tại Cấp Tiến (Sơn Dương), năm 2011 sau khi tốt nghiệp THPT, Thùy nộp hồ sơ xin làm việc tại Công ty TNHH Seshin Việt Nam (Phú Thọ). Dù trước đó khao khát được đi theo ngành Y, trở thành một y tá thế nhưng em bảo rằng đi làm, là bớt đi gánh nặng cho gia đình, có thể tự chăm lo cho bản thân.
Nguyễn Thị Thùy |
Khi làm tại Công ty May, có một chuyện mà Thùy vẫn nhớ mãi. Đó cũng có thể là cái duyên khởi đầu để em gắn bó với nghề may đến bây giờ. Em kể lại, trong một dây chuyền may, mỗi người sẽ được phân công một nhiệm vụ, người ráp tay áo, người vắt sổ... Thế nhưng những sản phẩm lỗi vẫn cứ xuất hiện trong chuyền. Khi được giao làm tổ trưởng chuyền may, em tự sắp xếp lại các khâu, giám sát từng công đoạn. Chỉ một thay đổi nhỏ ấy mà cả tổ may làm việc “khớp” nhau hơn, sản phẩm làm ra đúng tiến độ và không ra hàng lỗi.
Sau 2 năm làm việc tại Công ty May, tích góp được chút tiền, Thùy xin nghỉ việc rồi đi học thêm nghề may thời trang. Sau đó lại lặn lội xuống Hà Nội tìm thầy dạy thiết kế trang phục công sở. Đi khắp nơi “tầm sư học đạo”, cái nắng nóng ngột ngạt của thủ đô như muốn bóp nghẹt cô gái nhỏ ở vùng đất khó. Bao lần mệt mỏi vì một mình loay hoay cố gắng nhưng nghĩ đến bố mẹ ở nhà vất vả ngược xuôi, Thùy không từ bỏ.
Rồi may mắn cũng mỉm cười với em. 2 người thầy thiết kế ở hãng thời trang công sở nổi tiếng Format và Chic-Land nhận em vào học việc. Cứ ban ngày đi học, đêm về Thùy lại cặm cụi luyện bài để “lên tay”. Trên chiếc bàn làm việc nhỏ với ánh đèn vàng hắt hiu, cô gái nhỏ trải tấm vải, vuốt thật phẳng phiu rồi xem xét thật kỹ chất liệu vải, suy nghĩ tính toán đường cắt may. Đôi lông mày nhíu lại để lộ ra vết lõm trên ấn đường. Ai nấy đều biết rằng, việc may vá không quá nặng nhọc, nhưng người làm thì phải dụng công. Những giọt mồ hôi cứ lấm tấm trên trán cô thợ may trẻ mỗi lần đăm chiêu suy nghĩ...
Năm 2013, em trở về quê hương, mở một tiệm may nhỏ trong lòng thành phố đặt tên là Phương Thùy. Ban đầu tiệm chỉ có 2 thợ may chính. Khi khách ngày một đông hơn, em chuyển cửa hàng về khu chợ Tam Cờ sầm uất, thuê thêm thợ và đổi tên cửa hàng là Thùy Dương. Sản phẩm của em luôn chỉn chu với đường kim mũi chỉ bền chắc. Em bảo, khách hàng mới là người thẩm định và quảng bá sản phẩm cho mình tốt nhất. Thế nên việc của em là phải tạo ra một bộ trang phục đẹp, hợp thời trang và khách phải “ưng thì mới lấy!”.
Tập trung vào thị trường thời trang công sở, đến nay trung bình mỗi năm, tiệm may của Thùy hoàn thiện trên 8.000 sản phẩm thời trang gồm bộ đồng phục comple, vest, áo sơ mi, váy công sở; tạo công ăn việc làm cho 10 thợ thường xuyên với mức lương từ 7-12 triệu đồng/tháng. Tiệm may cũng nhận được nhiều đơn hàng lớn may đồng phục công sở của các cơ quan, doanh nghiệp, trường học trong và ngoài tỉnh...
Tâm huyết với nghề
Tôi đi dọc tuyến đường Quang Trung, những cửa hàng thời trang công sở luôn hút mắt người đi đường bởi biển hiệu hoành tráng và đèn điện chiếu sáng trang hoàng cả ngày. Tôi bắt đầu tò mò, tiệm may Thùy Dương có biển hiệu đơn giản, không đèn điện xa hoa. Thậm chí nếu người đi đường không để ý sẽ một vài lần đi quá một đoạn. Thế nhưng bấy lâu nay, tiệm luôn tấp nập người qua lại. Cô chủ nhỏ thầm thì bảo, cũng đã nhiều lần, tiệm được những chính khách, doanh nhân nổi tiếng của tỉnh ghé thăm và gắn bó đến tận bây giờ. Có lẽ, điều đặc biệt mà cô thợ may trẻ đem lại cho những “thượng đế” của mình ấy là những bộ trang phục “không khác gì hàng hiệu” với những đường may chuẩn chỉ, phom dáng vừa vặn, đặc biệt là sự độc, lạ, không “đụng hàng” với ai.
Cô chủ nhỏ tiệm may Thùy Dương cùng các thợ may hoàn thiện sản phẩm thời trangTết.
Ngồi trong tiệm may nhỏ trong buổi chiều mùa đông đầy nắng, cô chủ nhỏ vừa thoăn thoắt tay phấn, tay thước, vừa trao đổi với những thợ may và khách hàng của mình. “Chiếc này vai cho ra một phân”, “Cái này bắp tay cho ra đường phấn ngoài một chân vịt”, “Thân áo chị đã cảm thấy vừa chưa?”... Sự bận rộn ấy chính là câu trả lời cho thành quả hôm nay của em. Dù những gì em có không phải người trẻ nào cũng dễ dàng đạt được, thế nhưng Thùy vẫn chưa nhận rằng mình thành công. Em chỉ khiêm tốn bảo, bản thân may mắn hơn các bạn trẻ khác vì em có ước mơ và biết cách để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Chị Phạm Thu Trang, tổ 16, phường Phan Thiết là khách hàng “ruột” của tiệm may Thùy Dương suốt 4 năm qua. Chị bảo, Thùy cá tính và có gu của riêng mình chứ không chạy theo số đông. Thế nhưng, em cũng có sự nhạy cảm riêng của người làm nghề để biết khách muốn gì và cần phục vụ thế nào. Chị nhớ lại, có lần đi đường, mặc áo khoác măng tô của Thùy may, có người đuổi theo để hỏi xin địa chỉ nơi may cái áo. Thấy vừa buồn cười mà cũng vừa vui. Có lẽ đó là sự thành công mà ít người có thể đạt được.
Thùy chia sẻ rằng, nhiều người nhận xét rằng em “già đời”. Em không phủ nhận điều đó. Những đồng tiền đầu tiên kiếm được từ tiệm may của mình, Thùy dành dụm từng ngày để giúp bố mẹ sửa nhà, mua thêm đồ đạc cho gia đình, đầu tư sửa sang quán ăn ở quê để bố mẹ làm thêm kiếm đồng ra đồng vào… Em bảo thật ra, em cũng như bao bạn trẻ khác, cũng thích hàng hiệu, thích nước hoa, túi xách đắt tiền... Thế nhưng em phải tạm gạt những thứ xa xỉ sang một bên. Em hiểu rằng, có nhiều thứ quan trọng cần vun đắp hơn, đó là gia đình, là những người thân yêu, là sự nghiệp của mình...
Tiếng cửa mở lạch cạch hé ra, để ánh nắng len lỏi tràn vào nhà. Hai vị khách mới bước vào trò chuyện rôm rả về những chiếc váy hoa mùa xuân, hay chiếc áo măng tô màu may mắn... Rồi ai đó đứng ngay ngắn để cô chủ nhỏ vừa kéo thước dây đo, vừa ghi chép lại con số trong quyển sổ “nghề”, cắt góc vải nhỏ đánh dấu vào vùng đã viết... Trong tiệm may nhỏ, bên tiếng bàn đạp máy may lạch cạch còn vang vang đâu đó giọng hát của ca sỹ Mỹ Linh “mùa xuân đã đến bên em trao nụ hôn/và mùa xuân đã trao cho em ánh mắt anh...”.
Gửi phản hồi
In bài viết