Bén duyên
Chị Vũ Thị Ngọc Tuyết. |
18 năm trước, chị Vũ Thị Ngọc Tuyết, Tổng phụ trách đội trường Tiểu học Khuôn Hà (Lâm Bình) tốt nghiệp trường Trung cấp nghệ thuật Quân đội (mở tại Tuyên Quang) đã cùng với 10 sinh viên xung phong lên Na Hang công tác. Sau khi tách huyện, chị công tác tại Lâm Bình. Chị Tuyết chia sẻ, Lâm Bình với chị như một cái duyên, bởi ngay từ khi lựa chọn địa điểm công tác, lập gia đình hay bất cứ công việc gì mới, chỉ cần bắt đầu từ mảnh đất này chị đều có được những kết quả nhất định. Chính vì vậy, tình yêu cứ lớn dần lên, chị vẫn nói đùa với mọi người rằng chị đã ăn cơm người Tày, uống nước người Tày, hít khí người Tày nên “thay máu” rồi.
Năm học 2016 - 2017, chị được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao làm Tổng phụ trách đội. Ban đầu chị cũng rất lo lắng vì bản thân chị là người thuần tính, sợ không phù hợp với các hoạt động phong trào. Tuy nhiên, chị coi đây là cơ hội để thay đổi bản thân, buổi sáng nhận công việc, buổi chiều chị đã tham gia ngay một lớp tập huấn dưới thành phố về công tác Đội. Điều đáng nói ở đây là chị Tuyết không hề biết hát, chị là giáo viên dạy vẽ, nhưng chị lại múa đẹp và cảm được theo nhạc. Để truyền tải được đến học sinh chị đã phải cố gắng thay đổi bản thân.
Hè năm 2017, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức Trại huấn luyện Kim đồng toàn quốc dành cho các tổng phụ trách của khu vực phía Bắc tại Yên Bái trong 1 tuần. Dù kinh phí đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ đều tự túc nhưng chị đã đăng ký tham gia. Tại đây, chị “vỡ” ra rất nhiều điều. Từ cách thay đổi bản thân, định hướng hoạt động, tổ chức các chương trình trải nghiệm cho học sinh… chị đi được đến ngày hôm nay là nhờ những kiến thức học được tại chương trình đó. Sau khi tham gia, chị đã thành lập ngay Câu lạc bộ khiêu vũ. Có những em nhỏ theo chị từ khi chưa ngồi trên ghế nhà trường.
Cùng khoảng thời gian này, huyện Lâm Bình đang đẩy mạnh dịch vụ du lịch Homestay. Lại nhờ duyên, chị đã được một người chủ Homestay tại địa phương mời đến biểu diễn 2 tiết mục múa hiện đại khi xem được các clip chị đăng tải lên trang Facebook cá nhân. Đến đó, chị mới có dịp quan sát một chương trình văn nghệ đầy đủ, nhưng chị vẫn cảm thấy “chưa đã”, du khách thì không hào hứng theo dõi. Chị tìm hiểu và được biết, mọi người đến với huyện thích được tìm hiểu những bản sắc của địa phương. Khi nêu ra quan điểm của mình với chủ Homestay, chị đã được tin tưởng để giao thực hiện các chương trình văn nghệ.
Truyền cảm hứng
Sau khi tìm hiểu hát Then, hát Cọi từ những người già, nghệ nhân trong và ngoài huyện, chị Tuyết đã hiểu Then có nghĩa là “trời”, hát Then có nghĩa là một loại hình diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian, có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin những điều may mắn và một cuộc sống tốt đẹp an lành. Vì vậy mà hát Then người Tày thể hiện từ đời sống, bản làng, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi. Còn hát Cọi là loại hình hát có giai điệu thánh thót, uyển chuyển, trầm bổng, luyến láy nên rất quyến rũ người nghe. Cọi có thể là một bài dài, cũng có thể chỉ là một đoạn vài ba câu ngắn, hát đối hay tự hát. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hát được vì để truyền tải được hết những say đắm, nồng nàn trong câu hát cần một giọng hát chắc, khỏe.
Chị Vũ Thị Ngọc Tuyết và các em học sinh trong Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính luyện tập các tiết mục Then.
Sau khi đã hiểu bản chất của từng loại hình nghệ thuật, chị đã thành lập đội văn nghệ hát Then, đàn Tính Hà Lâm gồm khoảng 40 em có độ tuổi từ Tiểu học đến Trung học phổ thông. Để thắp lên ngọn lửa đam mê trong mỗi thành viên, chị đã tâm sự với các em rằng, những làn điệu Then, Cọi là gốc rễ của dân tộc mình. Các em nên tìm hiểu, gìn giữ và phát triển để không bị mai một. Để làm được điều đó, các em cần hiểu rõ bản chất, nội dung thì mới đam mê và theo đuổi nó. Chị đã mời nghệ nhân về hướng dẫn các em. Chính vì vậy, từ chỉ có 1 thành viên hát được Cọi, Then cổ thì đến hiện tại đã có nhiều em nhỏ có thể tự đánh đàn, tự hát những bài Then, Cọi ý nghĩa như: Điệu then Bản noọng tỏn xuân, mời trầu (then cổ); đường về Lâm Bình, Phượng hoàng tung cánh, ơn thầy ơn cô (then mới); ơn Đảng, Thượng Lâm quê noọng, quê em đổi mới, ơn Đảng Bác Hồ (Cọi)…
Hơn thế nữa, các em còn có thể làm chủ sân khấu, tổ chức các hoạt động đi kèm thành thạo, tự tin nhận được sự yêu mến của du khách. Em Trúc Thị Anh Thư, là học sinh lớp 5 trường Tiểu học Khuôn Hà đã gắn bó với chị Tuyết từ khi mới 5 tuổi.
Anh Thư tâm sự, nhờ có cô Tuyết, em đã được hiểu thêm về những nét văn hóa của dân tộc mình để có ý thức giữ gìn và quảng bá đến nhiều người hơn. Qua những buổi biểu diễn cho du khách, em đã dần tự tin, không còn nhút nhát hay sợ đám đông như trước nữa.
Bà Phạm Thị Xiêm, du khách đến từ Bắc Ninh cho biết, bà rất ấn tượng với tiết mục của các bạn nhỏ khi có dịp lên đến Lâm Bình. Những bạn nhỏ tự tin thể hiện các bài hát mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình sẽ là điểm nhấn, cầu nối đặc biệt đối với du khách. Các em nhỏ học tập, biểu diễn bằng sự đam mê mà chị Tuyết đã truyền lại cho các em. Điều đặc biệt ở đây là chị Tuyết cùng các bậc phụ huynh thống nhất với nhau không để các bạn nhỏ biết về thù lao biểu diễn. Chị Tuyết chia sẻ, mỗi buổi biểu diễn cả đội nhận được một khoản thù lao nhất định, trừ chi phí, mỗi người được vài chục hay một trăm. Tuy nhiên, chị và các bậc phụ huynh muốn giữ cho các con sự trong sáng như đúng lứa tuổi của mình để hạn chế tình trạng “vòi” khách. Vì làm du lịch mà để điều đó xảy ra sẽ làm mất đi hình ảnh đẹp của con người Lâm Bình cũng như tạo thói quen xấu cho con trẻ.
Hiện nay, với cương vị là Tổng phụ trách Đội, chị đã thành lập và duy trì hoạt động các Câu lạc bộ hát Then, đàn tính; mỹ thuật; cờ vua… trong trường. Ngoài ra, chị còn tổ chức các lớp học vẽ, khiêu vũ miễn phí cho các em học sinh có nhu cầu theo học. Theo chị, con trẻ được phát triển toàn diện văn, thể, mỹ sẽ có nhiều điều kiện khẳng định được bản thân và sống có ích cho xã hội. Tình yêu đối với mảnh đất Lâm Bình, với những nét văn hóa đặc sắc riêng có được chị thể hiện bằng cách “gieo” vào lòng con trẻ để tình yêu ấy cứ lớn mãi, lớn mãi không thôi…
Gửi phản hồi
In bài viết