Agribank đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng

- Với triết lý kinh doanh mang phồn thịnh đến khách hàng, đặc biệt là khu vực nông thôn, Agribank Tuyên Quang luôn đồng hành, hỗ trợ vốn để cùng nông dân làm giàu.

Chỉ với 100 triệu đồng vốn vay từ Agribank, anh Nguyễn Danh Trung, thôn Cầu Giát, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) đã chuyển đổi thành công mô hình sản xuất. Anh Trung cho biết, trước đây gia đình anh trồng bưởi, tuy nhiên do thiếu vốn, kỹ thuật nên chỉ trồng theo cách thông thường. Năm 2020, vay được vốn từ Agribank anh chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, với kỹ thuật thâm canh cao.

Anh Trung chia sẻ, vườn bưởi của gia đình giờ có chế độ chăm sóc đặc biệt, tưới nước đạm cá, đỗ tương và phân chuồng hoai mục nên đã tạo ra chất lượng bưởi vượt trội. Hiện bưởi của gia đình anh luôn được thương lái đến tận vườn mua, với giá 8.000 đồng/quả đối với bưởi Diễn và 20.000 đồng/kg với bưởi da xanh. Theo anh Trung, chuyển đổi mô hình sản xuất, nguồn thu từ trồng bưởi của gia đình đã tăng gần gấp 2 lần, vụ bưởi vừa qua đã cho gia đình anh thu nhập 200 triệu đồng.

Nhờ nguồn vốn vay của Agribank, Hợp tác xã cây ăn quả hữu cơ Chiêu Yên (Yên Sơn) đã mở rộng diện tích bưởi lên trên 20 ha.

Cũng từ nguồn vốn của Agribank, bà Ngô Thị Kim Oanh, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) đã khởi nghiệp thành công mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch. Bà Oanh chia sẻ, năm 2010 bà vay vốn dài hạn của Agribank để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, với vườn cam trên 2.000 cây xen các loài hoa cùng với khu vực đồi thông, thác nước, hồ sinh thái… Nhờ nguồn vốn vay dài hạn nên bà Oanh không áp lực phải trả vốn. Theo bà Oanh, mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái đã đi vào hoạt động trở thành điểm đến của nhiều du khách, mang lại nguồn thu gần 2 tỷ đồng/năm cho gia đình.

Với triết lý kinh doanh “Mang phồn thịnh đến với khách hàng” Agribank luôn luôn là người bạn đáng tin cậy, trợ lực giúp khách hàng làm giàu, đặc biệt là khách hàng khu vực nông thôn. Đáp ứng vốn cho khách hàng doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, Agribank Tuyên Quang cũng hợp tác với các tổ chức chính trị - xã hội, tạo nên mạng lưới các tổ liên kết vay vốn đến các thôn, xóm nhằm hỗ trợ tối đa cho người nông dân trong tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ từ ngân hàng.

Đến hết tháng 4, dư nợ cho vay của Agribank Tuyên Quang đạt gần 10.500 tỷ đồng, chiếm 34% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn so với tổng dư nợ tín dụng đạt trên 70%; tỷ trọng dư nợ tín dụng qua các tổ liên kết vay vốn so với tổng dư nợ tín dụng đạt 45% với trên 1.400 tổ liên kết, trên 33.000 thành viên tổ liên kết. Với vai trò trung gian tín dụng, Agribank Tuyên Quang đã có những đóng góp nhất định vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của người dân.

Với mục tiêu ở đâu người dân có nhu cầu vốn ở đó có Agribank, Agribank Tuyên Quang tiếp tục hướng tín dụng và dịch vụ ngân hàng trên tất cả các khu vực, trong đó trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo duy trì tín dụng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở mức trên 70% tổng tín dụng của chi nhánh, ưu tiên đáp ứng 100% các nhu cầu vốn phục vụ phát triển tam nông kịp thời, theo đúng quy định.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục