Nhân viên Agribank Tuyên Quang hướng dẫn khách hàng thực hiện các giao dịch trên ngân hàng số.
Thay vì ra quầy giao dịch để gửi tiền tiết kiệm, chị Nguyễn Thị Mai Yên, thôn Làng Nhà, xã Kim Quan (Yên Sơn) thao tác ngay trên điện thoại di động. Chị Yên phấn khởi cho biết, sử dụng dịch vụ gửi tiết kiệm trực tuyến (online) những khách hàng ở khu vực nông thôn khó khăn như chị thấy quá tiện ích. Chỉ cần có điện thoại thông minh, tải App của ngân hàng, vào biểu tượng gửi tiền, chọn kỳ hạn, số tiền gửi, hình thức gia hạn là xong. Theo chị Yên, gửi trực tuyến có thể thực hiện bất kỳ lúc nào không bó buộc về thời gian, đặc biệt là tính bảo mật rất cao nên chị rất yên tâm.
Anh Phạm Văn Hợi, thôn Tứ Thông, xã Hợp Thành (Sơn Dương) cũng rất hài lòng khi sử dụng ngân hàng số của Agribank. Anh Hợi chia sẻ, hóa đơn điện, nước, điện thoại... anh cài chế độ thanh toán trực tuyến tự động qua tài khoản ngân hàng Agribank. Theo anh Hợi, không những thanh toán các hóa đơn, khách hàng như anh nếu có nhu cầu vay vốn cũng có thể đăng ký trên ngân hàng số để vay vốn. Tiện lợi vô cùng!
Ông Dương Tuấn Phương, Phó Trưởng phòng Dịch vụ - Maketing, Agribank Tuyên Quang cho biết, Agribank Digital hay còn gọi là ngân hàng số là một mô hình chi nhánh ngân hàng thu nhỏ, phù hợp với nhiều địa bàn khác nhau, đặc biệt là địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Agribank đã thực hiện tập trung toàn bộ các cơ sở dữ liệu của ngân hàng (hệ thống Core Banking, hệ thống MIS, hệ thống phát hành và thanh toán thẻ chip theo chuẩn EMV, hệ thống E-Banking, các hệ thống ngoài Core Banking), chủ động nắm bắt các xu hướng công nghệ mới, nghiên cứu xây dựng kho dữ liệu tập trung để đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng phân tích dữ liệu lớn theo các chuyên đề khác nhau, phục vụ cho công tác quản trị điều hành, dự đoán, dự báo, đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt nhất với tính cá nhân hóa cao.
Khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại cây CDM tự động.
Trong thời gian qua, Agribank triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường an toàn thông tin như: hệ thống PKI (Public key infrastructure), hệ thống điều hành an toàn thông tin (SOC -Security Operation Center), giải pháp mật khẩu một lần (OTP - One Time Password) bảo mật cho các ứng dụng, hệ thống AD/Antivirus, hệ thống bảo mật cho các thiết bị điểm cuối, phối hợp với các cơ quan cảnh báo an ninh mạng đảm bảo an ninh an toàn cho các hệ thống công nghệ thông tin.
Các giao dịch đều được tự động hóa với tốc độ xử lý nhanh chóng, độ chính xác cao, khách hàng có thể thực hiện tất cả các dịch vụ ngân hàng như giao dịch trực tiếp tại quầy giao dịch.
Theo tổng hợp của Agribank Tuyên Quang, khoảng 90% khách hàng có tài khoản Agribank phát sinh các dịch vụ từ ngân hàng số. Những dịch vụ tưởng chừng chỉ được thực hiện trực tiếp tại quầy giao dịch như: mở tài khoản trực tuyến, đăng ký vay vốn, hiện cũng đã được thực hiện trực tuyến giảm bớt các thủ tục hành chính, thời gian, đi lại cho khách hàng và áp lực cho ngân hàng.
Ngân hàng số đòi hỏi cao về công nghệ, sự đổi mới trong dịch vụ tài chính cho khách hàng xung quanh các chiến lược về ứng dụng kỹ thuật số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thanh toán, dữ liệu lớn, kênh phân phối, công nghệ... Việc phát triển ngân hàng số đã giúp Agribank Tuyên Quang tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao tính tuân thủ và minh bạch trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là tăng tính tương tác với khách hàng.
Ông Dương Tuấn Phương khẳng định, Agribank Tuyên Quang xác định mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động là phát huy lợi thế về mạng lưới, đa dạng hóa, cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ với chất lượng cao dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Agribank cam kết phát triển nhiều hơn nữa các sản phẩm dịch vụ mới, các giải pháp thanh toán hiện đại, phù hợp với xu thế của thị trường và cách mạng công nghệ 4.0.
Gửi phản hồi
In bài viết