Điểm mới về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông đường bộ

- Hôm nay 15/9, Thông tư 32/2023/TT-BCA (gọi tắt là Thông tư 32) của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT) chính thức có hiệu lực thi hành. Để Nhân dân hiểu rõ hơn về những quy định của Thông tư mới này, phóng viên Báo Tuyên Quang đã phỏng vấn đồng chí Đại tá Phạm Đinh Bá Tiên, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Tuyên Quang.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những điểm mới của Thông tư 32? 


Đại tá Phạm Đinh Bá Tiên.

Đại tá Phạm Đinh Bá Tiên: Về cơ bản, Thông tư 32 không có thay đổi nhiều so với các thông tư trước đây (Thông tư 65/2020/TT-BCA). Điểm nổi bật của Thông tư 32 là việc ưu tiên sử dụng ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ như phát huy tối đa hệ thống giám sát về giao thông, cụ thể:

Các đơn vị CSGT được giao quản lý hệ thống giám sát phải bố trí cán bộ trực 24/24 giờ để vận hành hệ thống hoạt động liên tục, thông suốt, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên tuyến, phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thông tư 32 cũng quy định, người dân được xuất trình giấy tờ tích hợp trên VNeID thay giấy tờ giấy. Tuy nhiên, điều này chỉ thực hiện khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ liên quan. Hiện nay, cơ sở dữ liệu giữa Bộ Công an, Bộ Giao thông - Vận tải chưa kết nối thông suốt nên giấy tờ chưa được tích hợp đầy đủ trong ứng dụng VNeID. Do đó, khi được CSGT dừng xe vụ yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra, người tham gia giao thông vẫn phải chấp hành theo quy định.

Một điểm mới nữa, CSGT chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đối với các trường hợp vi phạm giao thông đến Công an cấp huyện, nơi những người vi phạm cư trú hoặc tổ chức đóng trụ sở để thực hiện việc nộp phạt. Đây là việc tạo điều kiện cho người vi phạm không phải đi xa để chấp hành xử phạt. Thông tư 32 cũng có hướng dẫn những người vi phạm nộp tiền trên cổng dịch vụ trực tuyến. 

Phóng viên: Người dân đang rất quan tâm Thông tư 32 quy định CSGT được dừng xe trong trường hợp nào? Người dân phải xuất trình giấy tờ trong trường hợp nào?

Đại tá Phạm Đinh Bá Tiên: Theo quy định, CSGT được dừng xe trong các trường hợp gồm: 

Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác; 

Phòng CSGT Công an tỉnh thực hiện tuần tra kiểm soát đảm bảo TTATGT trên các tuyến giao thông.

Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

CSGT được dừng khi có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống thiên tai, cháy nổ, phòng chống dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Khi có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Theo khoản 1, Điều 8 Thông tư 32 thì người tham gia giao thông khi được lực lượng CSGT dừng xe đều phải có nghĩa vụ chấp hành việc xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến người điều khiển phương tiện, giấy tờ của phương tiện, giấy tờ hàng hóa trên phương tiện để lực lượng CSGT kiểm soát theo quy định.

Theo điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư 32, khi dừng xe thì CSGT sẽ kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm:

Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ hoặc bằng, chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe); Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định.

Phóng viên: Thông tư 32 bỏ quy định thông báo công khai kế hoạch tuần tra kiểm soát của CSGT. Thưa đồng chí, người dân đang băn khoăn liệu quy định mới có giảm tính công khai minh bạch trong hoạt động của lực lượng CSGT? Khi người dân yêu cầu xem kế hoạch chuyên đề tuần tra kiểm soát thì CSGT có trách nhiệm phải xuất trình không?

Đại tá Phạm Đinh Bá Tiên: Thực tế, toàn bộ các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông của lực lượng CSGT đều được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu.  

Cán bộ Phòng CSGT, Công an tỉnh hướng dẫn người dân tìm hiểu những quy định mới của Thông tư 32.

Việc bỏ quy định thông báo công khai kế hoạch tuần tra kiểm soát của CSGT vẫn đảm bảo tính công khai, minh bạch. Việc bỏ quy định này nhằm đẩy mạnh phòng ngừa đấu tranh phòng chống tội phạm trên các tuyến giao thông, khiến tội phạm không thể trốn tránh. Song song với nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT còn trực tiếp bắt giữ các loại tội phạm trên tuyến như: Trộm cướp, buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, gây rối trật tự công cộng, tội phạm khủng bố và các hành vi vi phạm pháp luật khác. 

Trước tiên phải khẳng định, không chỉ Thông tư 32 mà các thông tư cũ trước đây đều quy định người dân không có quyền yêu cầu kiểm tra các kế hoạch chuyên đề tuần tra, kiểm soát của CSGT đang làm nhiệm vụ. Việc kiểm tra này thuộc thẩm quyền của cấp trên, lực lượng chuyên trách được giao nhiệm vụ kiểm tra hoạt động của CSGT.

Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng CSGT là công khai, hoạt động dưới sự giám sát của người dân. Vì vậy, người dân được thực hiện đầy đủ quyền giám sát của mình thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp, nhưng không gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của CSGT đang thực thi nhiệm vụ và ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. 

Lưu ý, người dân cần hiểu rõ quy định của pháp luật, không nên nhận thức sai lệch về quyền giám sát mà dẫn đến hành vi cản trở, chống đối lực lượng chức năng thi hành công vụ hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội. 

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Thực hiện: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục