Mức giá trên được quy định tại Thông tư 13/2023/TT- BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ hôm nay 15/8.
Khung giá dịch vụ ban hành tại Thông tư này bao gồm mức giá tối đa và tối thiểu, theo đó mức giá cụ thể dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu được phê duyệt không được thấp hơn hoặc cao hơn khung giá quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư.
Cụ thể, theo quy định, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/ lượt. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khác giá tối thiểu là 30.500 đồng và tối đa là 300.000 đồng/lượt.
Bộ Y tế cũng nêu rõ, riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khỏe: đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở khám chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.
Khung giá ngày giường điều trị theo yêu cầu chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế như sau:
Theo Thông tư 13, phẫu thuật nội soi robot là dịch vụ có giá cao nhất. Trong đó, cao nhất là phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực, giá tối đa hơn 134 triệu đồng; tối thiểu là hơn 91 triệu đồng.
Phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý tiêu hóa, ổ bụng, giá cao nhất hơn 124 triệu đồng, thấp nhất là hơn 96,6 triệu đồng.
Trong danh mục các dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, dịch vụ có mức giá cao nhất là chụp PET/CT mô phỏng xạ trị có mức giá tối đa là hơn 28,7 triệu đồng, giá tối thiểu là hơn 20,5 triệu đồng, chưa bao gồm thuốc cản quang. Với chụp PET/CT, mức giá tối đa là hơn 27,8 triệu đồng, giá tối thiểu là hơn 19,7 triệu đồng.
Giá một số dịch vụ y tế có giá lớn khác như: siêu âm Doppler màu tim 4D giá không vượt quá 826.000 đồng/lượt; Chụp CT 32 dãy có thuốc cản quang giá không vượt quá 1.584.000 đồng/lượt; chụp CT Scanertừ 262 dãy trở lên có thuốc cản quang giá không vượt quá 5.250.000 đồng/lượt; chụp động mạch vành hoặc thông tim chụp buồng tim dưới DSA giá không vượt quá 10.150.000 đồng/lượt; chụp nút dị dạng và can thiệp các bệnh lý mạch thần kinh dưới DSA giá không vượt quá 23.111.000 đồng/lượt; chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang giá không vượt quá 3.701.000 đồng/lượt;...
Theo quy định của Bộ Y tế từ hôm nay, 15/8, các cơ sở khám chữa bệnh phải bảo đảm số giường bệnh thực hiện dịch vụ theo yêu cầu tại một thời điểm không quá 20%; các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của đơn vị dành một tỷ lệ thời gian tối thiểu 70% để khám chữa bệnh cho người bệnh BHYT.
Bộ Y tế nhấn mạnh, giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (chiếm tỷ lệ từ 5-10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, tuyến huyện gần như không có). Người có thẻ BHYT vẫn thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-BYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BYT.
Do vậy, Bộ Y tế khẳng định việc ban hành Thông tư không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
Thông tư 13 của Bộ Y tế cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng, nguyên tắc mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu như: quy định về tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước, tỷ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%.
Gửi phản hồi
In bài viết