Nhà máy Alumin Nhân Cơ Đắk Nông - ngày trở lại

- Tháng 5-2019, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Tuyên Quang may mắn được Tổng Biên tập Báo Đắk Nông Nguyễn Hồng Hải dẫn đi tham quan, tìm hiểu về Nhà máy Alumin Nhân cơ. Lúc đó nắng gắt, cây cối chưa xanh tốt, đất đỏ (Bauxite) còn đỏ ối khắp nơi. Nhìn thấy một không gian cực lớn với dây chuyền nhà máy đồ sộ, cùng một vài dư luận trái chiều làm cho chúng tôi hơi băn khoăn một chút. Tuy nhiên được Chánh Văn phòng Công ty Nhôm Đăk Nông Nguyễn Kim Tiệp - một chàng trai rắn rỏi, bản lĩnh, linh hoạt, hài hước đưa đi thăm và giới thiệu về nhà máy, chúng tôi đã rất vui mừng và tin tưởng chắc chắn Dự án Alumin Nhân cơ là hướng đi đúng đắn, hiệu quả, đem lại nguồn thu ngân sách và việc làm lớn cho tỉnh Đắk Nông.

Toàn cảnh nhà máy Alumin Nhân Cơ Đắk Nông.

1. Qua lời giới thiệu của Nguyễn Kim Tiệp, chúng tôi thấy Bauxite chính là “vàng đỏ”, là tiềm năng, thế mạnh lớn nhất của tỉnh Đắk Nông, bởi trữ lượng quặng Bauxite của Đắk Nông chiếm khoảng 2/3 tổng trữ lượng của cả nước. Các mỏ được phân bố chủ yếu tại các địa phương: Đắk G’long, Đắk Song, Đắk R’lấp, Tuy Đức và thành phố Gia Nghĩa. Đặc biệt các mỏ quặng phần lớn đều ở dạng lộ thiên, tức là chỉ cần bóc lớp phong hóa, lớp đất mầu bề mặt chừng 1 đến 2m là đến lớp quặng có độ dày thân quặng khoảng 4 - 5 mét. Khai thác xong hoàn thổ rồi trồng cây hoàn nguyên.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã xác định Đắk Nông là địa bàn chiến lược của TKV trong phát triển ngành công nghiệp mới - công nghiệp Bauxite - alumin - nhôm (khai thác chế biến quặng Bauxite để sản xuất alumin, tiến tới sản xuất nhôm). Theo đó TKV đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đắk Nông để xây dựng Nhà máy Alumin Nhân Cơ tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp. Đây là một trong hai (2) dự án thí điểm trong ngành công nghiệp mới nói trên.

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 28-02-2010, Nhà máy Alumin Nhân Cơ được khởi công xây dựng. Nhà máy cho sản phẩm đầu tiên vào tháng 10-2016 sau thời gian vận hành thử và đến  ngày 1-7-2017 đã hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại. Trước khi nhà máy hoàn thành, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV (DNA) đã được thành lập ngày 1-10-2015 để trực tiếp quản lý, vận hành Nhà máy. Sau 5 năm hoạt động ổn định, nhà máy Alumin Nhân cơ Đắk Nông đã đạt và vượt công suất thiết kế; sản phẩm của nhà máy được xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập thống nhất (UAE), Thụy Sĩ... Giai đoạn 2015 - 2020, dự án đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 1.517 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động, trong đó có trên 70% lao động là người dân địa phương.

Các đồng chí nguyên lãnh đạo báo Đảng thăm nhà máy Alumin Nhân Cơ Đắk Nông.

2. Trong một ngày nắng đẹp giữa mùa mưa Tây Nguyên, đoàn cựu nhà báo gồm 14 người nguyên là Tổng Biên tập các báo Đảng địa phương đã trở lại thăm và tìm hiểu  về sự phát triển của Nhà máy Alumin Nhân cơ Đắk Nông. Một không gian tĩnh lặng, cây cối tốt tươi, chim hót líu lo, bóng râm tỏa xuống phần lớn diện tích nhà máy. 

Đón tiếp chúng tôi lại là Nguyễn  Kim Tiệp - Chánh Văn phòng Công ty Nhôm Đăk Nông. Lần gặp lại này, “anh chàng” Kim Tiệp đã thêm nhiều nếp nhăn và tóc đã nhiều sợi bạc. Tuy “đứng tuổi” hơn một chút nhưng Tiệp vẫn giữ nguyên vẻ mặt tươi vui, thân thiện, nụ cười và cách kể chuyện thật hài hước, dễ mến.

Xe ô tô đưa đoàn đi xung quanh nhà máy rộng hơn 100 ha nhưng không thấy bóng một công nhân nào. Mọi người thắc mắc “ơ không thấy ai cả, thế mà “mấy ông trên mạng” cứ bảo ở đây nhiều người nước ngoài lắm”. Tiệp cười: “Toàn bộ công nghệ, máy móc, thiết bị được nhập từ Pháp và các nước G7 và cán bộ, công nhân vận hành nhà máy đều là người Việt Nam mình đấy các bác ạ. Sở dĩ các bác không gặp ai là vì dây chuyền sản xuất tự động hết ạ. Băng chuyền tải quặng về, nghiền rồi chế biến thành alumin, rồi đóng gói thành phẩm... đều là tự động hóa. Công nhân chỉ làm công tác kiểm tra và vệ sinh môi trường thôi”. Tôi đề nghị: “So với hồi tháng 5 năm 2019, chị thấy nhà máy có nhiều phát triển vượt bậc. Em tóm tắt giúp đoàn nắm nhanh nhé”. Tiệp chia sẻ: “Năm 2022 vừa qua, công ty đã đóng vào ngân sách địa phương hơn 20% và làm nhiều công trình an sinh xã hội như xây dựng trường học, làm đường và xây nhà tình thương, đồng thời còn hỗ trợ các hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh.

Sản phẩm của nhà máy sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 14 triệu đồng/người/tháng. Nhà máy thu về lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng. Đơn vị đóng góp ngân sách hơn 400 tỷ đồng. Năm 2023 này, nhà máy phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra”. Một anh trong đoàn hỏi: “Thế tiến độ nhà máy nhôm đến đâu rồi đồng chí Chánh Văn phòng?”. “Dạ, Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông có tổng mức đầu tư khoảng 830 triệu USD, công suất 450 ngàn tấn nhôm/năm, chia thành 3 phân kỳ với công suất tương ứng là 150 ngàn tấn/năm, 300 ngàn tấn/năm và 450 ngàn tấn/năm. Sản phẩm của nhà máy là phôi nhôm: nhôm thỏi và nhôm hợp kim thanh tròn chủ yếu cung cấp cho nhu cầu trong nước. Dự án lựa chọn công nghệ điện phân sử dụng dòng điện 500 kA. Đây là công nghệ tiên tiến và tiết kiệm năng lượng nhất hiện nay do Tập đoàn Rio Tinto Alcan (Pháp) đảm nhận việc thiết kế, cung cấp thiết bị và chuyển giao công nghệ. Cung cấp alumin cho Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông là từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ Đắk Nông và Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) thuộc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam. Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông dự kiến sẽ có sản phẩm vào năm 2024, hiện nay đã đạt trên 90% khối lượng xây lắp”.

Nhà báo Nguyễn Hồng Hải - Nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Tổng Biên tập Báo Đắk Nông, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đắk Nông cho biết: “Hiện nay Đảng bộ và nhân dân Đắk Nông cũng như TKV đang nóng lòng mong Nhà máy điện phân nhôm sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động, để các cấp, các ngành và nhân dân Đắk Nông cũng như nhân dân cả nước nhìn thấy thỏi nhôm ra đời từ mảnh đất Đắk Nông này. Tỉnh Đắk Nông đang tích cực kêu gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi và phối hợp với các nhà đầu tư lớn vào khảo sát nghiên cứu, lập báo cáo cơ hội đầu tư như: Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương, Công ty cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang. Từ đó, tiến tới xin chủ trương đầu tư, khai thác các mỏ Bauxite, xây dựng 3 tổ hợp nhà máy chế biến alumin, điện phân nhôm, công nghiệp sau nhôm tại các khu vực mỏ Bauxite: Quảng Sơn, 1/5; Gia Nghĩa, Bắc Gia nghĩa, Gia Nghĩa 2, Tuy Đức; và Đắk Song. Hiện tại, tỉnh đang thực hiện tiến trình đầu tư Khu công nghiệp Nhân cơ 2, khu logistics để đón đầu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sau nhôm; đồng thời, thúc đẩy quá trình cường hóa Nhà máy Alumin Nhân cơ lên thành 800.000 tấn alumin/năm và mở rộng quy mô, nâng công suất của Tổ hợp lên thành 2 triệu tấn alumin/năm”.

Nghe anh Hải và Tiệp nói chúng tôi phấn chấn lắm. Để giải quyết triệt để khâu bảo vệ môi trường thì các khu vực mỏ quặng đều phải được khai thác để hoàn thổ, trả lại mặt đất cho Tây nguyên mầu mỡ, nếu cứ khai thác lẻ tẻ, nhỏ giọt thì việc hoàn thổ rất khó khăn. Hơn nữa để đáp ứng yêu cầu chế biến sâu quặng Bauxite và tiết kiệm, hiệu quả, thì phải tiến hành đồng bộ cả một chuỗi trong ngành công nghiệp mới - công nghiệp Bauxite - alumin - nhôm và sau nhôm. Bên cạnh đó, việc xử lý bùn đỏ đảm bảo khai thác triệt để tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng được Bộ Công thương, TKV và tỉnh Đắk Nông chú trọng. Với những kết quả đạt được và chủ trương, kế hoạch đặt ra như trên, chắc chắn ngành công nghiệp chế biến Bauxite của Đắk Nông sẽ đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông cũng như vùng Tây Nguyên và cả nước. Trong tương lai không xa, đoàn nhà báo chúng tôi sẽ được quay trở lại để thăm ngắm một Đắk Nông giàu có, hiện đại và thấm đẫm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc địa phương./.

Vũ Bé

Tin cùng chuyên mục