Tình trạng du khách, người dân thành phố Hồ Chí Minh bị cướp giật khi đi ra đường, hay bị chèo kéo khi đến các điểm du lịch lâu nay là "điểm trừ" với ngành Du lịch thành phố. Thượng tá Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Trong giai đoạn 2016-2020, Công an thành phố phối hợp với Sở Du lịch thành phố phát hiện 940 vụ xâm hại tài sản của người nước ngoài; đã điều tra 484 vụ, bắt 297 đối tượng có liên quan và đang xác minh điều tra 61 vụ, 4 đối tượng".
Khách sạn Nikko Sài Gòn nằm tại quận 1 - trung tâm thành phố cũng là một địa điểm mà du khách nghỉ tại đây hay bị cướp giật khi ra đường. Từ năm 2016 đến nay, theo thống kê của khách sạn Nikko Sài Gòn, có 90 vụ khách lưu trú bị cướp giật điện thoại, dây chuyền, túi xách trên đường; 24 vụ khách bị móc túi khi đi bộ trên đường hoặc khi đang mua sắm trong chợ hay các trung tâm mua sắm; 20 vụ lái xe taxi lừa tài sản khách, 19 vụ khách báo mất tài sản trong khách sạn. Còn theo báo cáo của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (đặt tại trung tâm quận 3, vốn là điểm đến của mọi tour du lịch của khách nước ngoài), mỗi năm cũng xảy ra 1-2 vụ khách mất tài sản khi tham quan bảo tàng. Ngoài ra, khu vực trước bảo tàng cũng thường xuyên xảy ra tình trạng khách du lịch bị giật túi xách, taxi "dù", người bán hàng rong chèo kéo khách.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, muốn du lịch phát triển bền vững thì an ninh, an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu. Để bảo đảm an ninh cho khách du lịch, Sở Du lịch và Công an thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp bảo đảm công tác an ninh trật tự trong hoạt động du lịch. Theo đó, liên ngành sẽ cùng các đơn vị kinh doanh lưu trú, lữ hành thành lập các đội an ninh cơ sở để bảo vệ du khách. Ở quy mô thành phố, các cấp, ngành xây dựng kế hoạch liên kết tạo môi trường an ninh, an toàn cho người dân và du khách đến thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Phát Việt, Đội trưởng Đội bảo vệ khách sạn Nikko Sài Gòn cho biết: "Khách sạn đã chủ động triển khai dịch vụ đón tiễn khách lưu trú tại sân bay giúp hạn chế việc khách lưu trú bị lái xe taxi chèo kéo; tăng cường hệ thống camera an ninh trong và ngoài khách sạn; đồng thời thành lập một tổ bảo vệ riêng hỗ trợ du khách nhanh chóng, hiệu quả".
Tương tự, tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, ngoài việc tăng cường camera an ninh và lực lượng bảo vệ, đơn vị này còn đẩy mạnh tập huấn cho bảo vệ, nhân viên xử lý tình huống khi có khách báo bị làm phiền. Bà Nguyễn Trần Tâm Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho biết: "Bảo tàng đã chủ động mời đại diện Công an thành phố, Công an quận 3 đến dự để báo cáo, tập huấn một số nghiệp vụ cơ bản và hướng dẫn cho viên chức, người lao động của đơn vị phương pháp xử lý một số tình huống liên quan đến công tác bảo vệ an ninh trật tự".
Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua, theo thống kê của lực lượng Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 8-1 đến 14-2, lực lượng đã phối hợp tuần tra, chốt trực tại khu vực trung tâm thành phố để hỗ trợ du khách. Qua đó, đã xử lý 219 trường hợp taxi, xích lô, hàng rong, ăn xin chèo kéo, đeo bám, làm phiền du khách; bắt 1 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, giao cơ quan chức năng.
Theo Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, Công an thành phố sẽ tiếp tục tham mưu Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh những chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo niềm tin cho người dân, du khách. Còn bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: "Trong năm 2021, Sở cũng sẽ phối hợp với công an, lực lượng chức năng bảo vệ du khách một cách hữu hiệu. Thực hiện tốt việc này sẽ giúp cải thiện và nâng cao hình ảnh, vị thế của ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh".
Gửi phản hồi
In bài viết