Theo một ghi chép của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, đề tài con giáp của ông xuất phát từ bức chạm gỗ cổ “Mèo ngoạm cá” ở đình Bình Lục, Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, những năm 1955-1956. Và, ông bắt đầu vẽ con giáp đầu tiên là con mèo. Với ông, tranh con giáp vừa chuyển tải tinh thần cầu mong may mắn, an lành từ mùa xuân mới, vừa thể hiện những nét đẹp đa sắc của con vật linh của năm. Hầu hết 12 con giáp của ông được thể hiện bằng chất liệu bột màu, với những hình thái dũng mãnh, uyển chuyển, ngộ nghĩnh...
Năm 1988, tại Hà Nội, bộ sưu tập tranh con giáp lớn nhất của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được công bố, gồm 42 tác phẩm, với đầy đủ các con vật của 12 cung bằng bột màu, kích thước 36cm x 50cm. Hình ảnh những con vật bình dị gần gũi, quyến luyến nhau toát lên vẻ đẹp sinh động của cuộc sống đời thường đầm ấm, hòa đồng. Bộ tranh của ông phong phú, đặc sắc và đậm không khí mùa xuân…
Sau cuộc triển lãm này, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã dành nhiều công sức, tâm huyết để xây dựng nên những bức tranh con giống độc đáo, đưa chúng vào một hệ thống liên hoàn, vẽ năm nào thì lấy con vật năm ấy làm chủ và đặt nó ở vị trí trung tâm bức tranh. Trong số 12 con vật, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ rồng nhiều nhất, sau đến dê, chó, gà, ngựa, hổ, mèo… và trâu là ông vẽ ít nhất.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, khó có thể thống kê được số lượng tranh con giáp mà họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã vẽ. Điều đáng nói, mỗi con vật trong thập nhị chi đều được họa sĩ nghiên cứu và vẽ đi vẽ lại nhiều lần với nhiều chất liệu, khuôn khổ, kích cỡ, kiểu dáng khác nhau… Đặc biệt, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm còn được biết nhiều đến tranh con giáp trên giấy dó. Hình ảnh những đàn gà, đàn lợn, ngựa, dê, chó... mang đậm nét dân gian cứ tự nhiên đi vào tranh ông.
Theo họa sĩ Đỗ Phấn, được trực tiếp nghe họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm giảng giải về những tranh con giáp mới thấy kiến thức về vận hành vũ trụ và nhân sinh theo quan niệm Nho gia của ông hết sức mạch lạc, tinh tường. Ông đã áp dụng kiến thức ấy vào hầu hết tác phẩm của mình một cách nhuần nhuyễn. Người xem chỉ có thể cảm nhận được một không khí nhiệm mầu lung linh tỏa sáng bên ngoài tác phẩm của ông, mà không thể giải thích.
Phấn khởi khi nhìn thấy dòng tranh con giáp ngày nay được các họa sĩ kế tục một cách hào hứng, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo cho biết, xưa chỉ các làng tranh dân gian vẽ con giáp, rồi một vài họa sĩ: Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái... vẽ, giờ đây có nhiều họa sĩ như Thành Chương, Lê Trí Dũng, Đỗ Phấn, Tô Chiêm, Tào Linh... cùng vẽ, cùng triển lãm, khiến dòng tranh này càng sống động, đầy sức hấp dẫn.
Hiện nay, các tranh con giáp đều thành công ở cả tính thời đại và tính truyền thống, khẳng định sự đa dạng trong phong cách sáng tác của các họa sĩ nước nhà. Qua đó có thể thấy được dòng tranh con giáp đã có đóng góp cho sự phát triển, đi lên của nền mỹ thuật Việt Nam, làm giàu thêm vốn văn hóa của dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết