Thời gian qua, dân tộc Mông, đặc biệt là phụ nữ Mông với bản sắc văn hóa độc đáo của mình đã có sự nỗ lực, tập trung phát huy thế mạnh, nguồn lực này để phát triển du lịch và các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế-xã hội. Ở Hà Giang, như ở huyện Đồng Văn, Quản Bạ… người Mông đã phát triển thành công một số mô hình du lịch dựa trên khai thác các giá trị văn hóa truyền thống. Vị thế của những người phụ nữ trong gia đình trở nên bình đẳng hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, kết quả như trên không nhiều. Mặt khác, sau một thời gian khai thác các giá trị di sản văn hóa, đồng thời vận hành mô hình du lịch cộng đồng bắt đầu xuất hiện nhiều bất cập cần phải được nhìn nhận lại một cách thấu đáo.
Để góp phần giải giải quyết vấn đề này, cuối tuần qua tại khu nghỉ dưỡng H’Mong Village, Khu Tráng Kìm, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang diễn ra Hội thảo khoa học: “Bản sắc văn hóa dân tộc Mông và vai trò của phụ nữ trong phát triển du lịch và kinh tế-xã hội tại Hà Giang”. Sự kiện do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang (UBND tỉnh Hà Giang), Viện Friedrich Naumann Foudation vì Tự do Việt Nam (FNF), Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đồng tổ chức.
PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Gần 70 đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị Trung ương, các cơ quan, ban, ngành địa phương tại tỉnh Hà Giang; các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đã tham dự. Các đại biểu đã đóng góp ý kiến tại 2 phiên thảo luận chính là: “Bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông trong phát triển du lịch” và “Vai trò của phụ nữ Mông trong phát triển du lịch, và kinh tế-xã hội tại Hà Giang”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến đã cho chúng ta thấy được, trong gia đình, dòng họ của người Mông tính chất phụ quyền là yếu tố cơ bản, nổi trội, nhưng bên cạnh đó phụ nữ cũng có vai trò nhất định. Từ đó tác giả mong muốn, các nhà quản lý tạo ra công việc phù hợp để sự cần cù, năng động của người phụ nữ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương nơi họ sinh sống.
Với một cách nhìn khác, 2 đồng tác giả là PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương và TS Vũ Diệu Trung đã cho chúng ta thấy được vai trò của người phụ nữ thông qua nghiên cứu quy trình trồng lanh dệt vải của người Mông ở Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Ở góc độ quản lý, bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang lại đưa ra các giải pháp mang tính tổng thể về thể chế, xây dựng, quy hoạch và hoạch định chính sách về bảo tồn di sản văn hóa linh hoạt, hiệu quả phù hợp với thực tiễn của từng dân tộc, của từng địa phương.
Đáng chú ý, nghiên cứu “Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển tỉnh Hà Giang” của TS Phạm Hùng Tiến thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các dự án quốc tế, tác giả đã chỉ ra, đối với khu vực FDI, Hà Giang kỳ vọng có được một thế hệ đầu tư nước ngoài có chất lượng và thân thiện với môi trường và cộng đồng.
Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà quản lý tại địa phương nơi có dân tộc Mông sinh sống, những người làm quản lý, nghiên cứu tin rằng, đây sẽ là bước đầu khởi sắc của công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa - động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng đất giàu bản sắc, đồng thời nâng cao vị thế của người phụ nữ Mông trong giai đoạn 2022-2030.
Gửi phản hồi
In bài viết