Dãy núi Ba Vì vốn dược coi là “núi Tổ” của người Việt, nơi gắn liền với huyền thoại về Tản Viên Sơn Thánh. Do đó, từ lâu, núi Ba Vì đã trở thành một điểm đến về du lịch tâm linh của Thủ đô. Tuy nhiên, còn nhiều sản phẩm du lịch khác chưa được nhiều người biết đến.
Núi non hùng vĩ cộng với những dòng suối trong xanh đã tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo cho vùng núi Ba Vì. Đây là điều kiện lý tưởng để hình thành nên các khu du lịch như: Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà…
Tại đây, khách du lịch vừa được thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, vừa được tắm mát trong làn suối trong xanh, các bể bơi, bể khoáng thiên nhiên hay tham gia nhiều trò chơi dưới nước. Các khu du lịch này đều có thêm nhiều loại hình dịch vụ phục vụ cho nghỉ dưỡng của du khách cũng như các món ẩm thực độc đáo. Để tăng sức hấp dẫn, năm nay, huyện Ba Vì sẽ đưa thêm nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe như “Dịch vụ tắm thuốc thảo dược” và “Chẩn trị và chăm sóc sức khỏe Nam y - Đông y” tại khu du lịch Ao Vua.
Cũng với lợi thế về thiên nhiên, Ba Vì đang đẩy mạnh khai thác du lịch nông nghiệp. Hiện Ba Vì có các điểm du lịch nông nghiệp lớn gồm: Trang Trại Đồng Quê (Bavi Homestead), Hợp tác xã cổ phần nông trại xanh, Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì xã Vân Hòa; Gia Trịnh Ecofarm, Nông trang vui vẻ xã Yên Bài…
Đến đây, du khách được tham quan các làng sản xuất nông nghiệp có truyền thống lâu đời, được hưởng thụ các đặc sản thiên nhiên tươi lành cũng như có cơ hội tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hóa đồng quê Việt Nam như: cấy lúa, bắt cá, cua, ốc bằng những dụng cụ làm bằng tre, trồng và hái các loại rau rừng và rau thảo dược, xem cách làm mật ong, tự hái và sao chè khô, cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn…
Các trải nghiệm văn hóa các dân tộc Mường, Dao sẽ được đẩy mạnh khai thác trong năm nay, khi các hoạt động du lịch được mở cửa trở lại. Điển hình như Lễ hội “Chợ phiên Mường - Dao Ba Vì”, trải nghiệm văn hóa Mường-Dao qua các tục lệ: tục vác nước đầu xuân của già làng Mường, văn hóa ẩm thực dân tộc, văn hóa chiêng Mường, tìm hiểu Bộ lịch cổ đại người Mường… Dự kiến, các hoạt động sẽ bắt đầu triển khai từ tuần đầu tháng 4 hằng năm và duy trì một số hoạt động chợ phiên vào thứ bảy, chủ nhật để phục vụ khách du lịch.
Tiếp đó, từ giữa tháng 4 trở đi, huyện Ba Vì mở rộng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới. Tại Khu du lịch Bản Coốc, xã Minh Quang sẽ tổ chức “Lễ hội Cơm mới” vào ngày 5/5 và 10/10 (Âm lịch), đúng dịp cúng cơm mới truyền thống. Lễ hội bao gồm các hoạt động chế biến nông sản và hội thi nấu cơm ngày mùa mừng cơm mới gắn với các hoạt động của chợ phiên và các hoạt động tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn.
Ngoài ra, tại các điểm du lịch trên địa bàn các xã Minh Quang, Ba Vì, Vân Hòa, Yên Bài sẽ có các sản phẩm văn hóa, ẩm thực dân tộc Mường (văn hóa chiêng Mường, trang phục dân tộc, ẩm thực dân tộc Mường); các hoạt động trải nghiệm trồng rau, chế biến nông sản thủ công truyền thống, gắn với hoạt động sản xuất các sản phẩm OCOP của nhân dân (vườn chè Phú Yên, mô hình trồng bưởi…).
Trong những năm gần đây, các hoạt động trải nghiệm khinh khí cầu, trải nghiệm mùa hoa dã quỳ đã là một thương hiệu của Vườn Quốc gia Ba Vì. Trong năm 2022, Vườn Quốc gia Ba Vì tiếp tục tổ chức “Lễ hội khinh khí cầu” gắn với hoạt động trải nghiệm và trình diễn hoa dã quỳ, bao gồm các hoạt động: Con đường hoa, lều hoa, carnaval hoa dã quỳ… vào mùa hoa dã quỳ (tháng 11 hằng năm).
Để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, dự kiến, UBND huyện Ba Vì sẽ tổ chức lễ khai trương du lịch Ba Vì năm 2022 vào ngày 16/4 tại khu du lịch Ao Vua. Trong lễ khai trương, huyện Ba Vì sẽ chính thức giới thiệu các sản phẩm du lịch mới đến công chúng, bắt đầu “mùa du lịch” năm 2022.
Gửi phản hồi
In bài viết