Cán bộ uy tín, nói dân nghe
Đường đến Ba Trãng đều được bê tông phẳng lỳ, sạch đẹp, rộng thênh thang. Hai bên cây cối, hoa tươi nở rộ, hệ thống mương thoát nước bao quanh, đường điện thắp sáng... Nhà tầng, nhà sàn bê tông khang trang mọc lên với điểm nhấn là những khu vườn vuông vức xum xuê cây trái. Đóng góp vào thành quả ấy, không thể không nhắc đến Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố Vũ Quảng Đại.
Một góc tổ dân phố Ba Trãng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên).
Sau 36 năm công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm Nông nghiệp Hàm Yên, năm 2013, ông Vũ Quảng Đại về nghỉ hưu. Tại quê hương, ông luôn gương mẫu, tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động. Năm 2016, ông Đại được đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ, năm 2020, ông được đảng viên tín nhiệm, nhân dân tin tưởng bầu làm Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố Ba Trãng.
Tiếng là ở thị trấn nhưng Ba Trãng còn “rất quê”. Tổ có 250 hộ với hơn 900 nhân khẩu, trong đó có hơn 60% là dân tộc Dao Quần Trắng, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Ít ai hình dung được cách đây chỉ 3 năm, những con đường bê tông phẳng lỳ, rộng thênh thang này vẫn là những con đường mấp mô sỏi đá, nắng bụi, mưa lầy đi lại rất khó khăn, vất vả, nhất là việc đến trường của các cháu học sinh. Việc khai thác, vận chuyển hàng hóa mùa thu hoạch chưa được cơ giới hóa. Phải có được con đường giao thông đi lại thuận lợi thì bà con mới có cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh, đời sống người dân mới được cải thiện - Đây là điều ông Đại trăn trở bao ngày.
Ông Đại đã thăm dò ý kiến người dân, rồi đưa ra nhiều cuộc họp chi bộ, họp thôn để bàn cách làm hiệu quả, tiết kiệm nhất. Những hộ chưa đồng ý, không quản nắng, mưa, ông Đại đến từng ngõ, gõ từng nhà vận động, giải thích cho người dân hiểu rõ về lợi ích của việc làm đường. Qua vận động các hộ dân đã đồng tình đóng góp hàng trăm ngày công, thuyết phục 3 hộ hiến 240m2 đất cùng kinh phí Nhà nước hỗ trợ để nâng cấp gần 2km đường bê tông.
Có con đường bê tông rộng đẹp nhưng mỗi khi màn đêm mịt mùng buông xuống, chẳng ai muốn bước ra đường. Bà con có việc về khuya luôn lo lắng, người quen đường đi lại còn đỡ, người nơi khác đi qua đây phải mò mẫm, nhiều khi không biết lối nào mà đi. Thế là ông Đại cùng lãnh đạo tổ dân phố vận động nhân dân làm đường điện thắp sáng với chiều dài trên 8,2km, lắp 310 cột bóng điện thắp sáng tự động trị giá hơn 150 triệu đồng. Đến nay, các tuyến đường đi qua tổ đều có đường điện thắp sáng.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường mới, ông Đại tự hào chia sẻ: từ ngày con đường, hệ thống đèn chiếu sáng đưa vào sử dụng bà con rất phấn khởi. Con đường không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong tổ mà còn kết nối với các tổ khác, là tiền đề cho sự thông thương, giúp bà con đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế.
Ông Đại bảo, phần đông người dân trong tổ là nông dân, buôn bán nhỏ nếu cứ tuyên truyền khô khan về các văn bản, chỉ thị, nghị quyết... thì khó lắm. Nên ông đến từng hộ dân, lắng nghe xem họ thực sự muốn gì, cần gì. Rồi đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, một khi người dân đã hiểu được lợi ích mà nó mang lại thì mọi việc sẽ trở nên rất dễ dàng và chính họ là người tự nguyện tiên phong.
Ông Đại vận động người dân trong tổ phát triển kinh tế từ mô hình nuôi ong lấy mật.
Ba Trãng đổi thay
Hành trình “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” hơn 6 năm của ông Đại đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm cho sự đổi thay tích cực của Ba Trãng. Ông đã nỗ lực vận động nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng để cùng làm đường bê tông, hệ thống đèn thắp sáng đường quê; 300m kênh mương nội đồng được bê tông hóa; hơn 8km đường làng ngõ xóm được người dân thường xuyên vệ sinh; trồng 3.000 cây cảnh tại các tuyến đường bê tông; vận động làm 17 lò đốt rác; nhà vệ sinh tạm bợ cũng được thay bằng nhà vệ sinh tự hoại; 3 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà mới; vườn tạp được phát quang, cải tạo trồng cây có giá trị.
Ông còn tích cực vận động bà con tham gia phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi trâu, bò; nuôi ong lấy mật; trồng chè, rừng. Hiện, Ba Trãng có hơn 80 con trâu, bò; 81 đàn ong; hơn 100 ha rừng keo, bạch đàn. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm dần theo từng năm, hiện còn 22%, thu nhập bình quân đạt gần 47 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 90%. Nhiều năm liền Ba Trãng không có vụ việc phức tạp, trật tự xã hội được đảm bảo, nhân dân luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên.
Chị Bàn Thị Ân, Đặng Văn Sáu hạnh phúc trong ngôi nhà sàn bê tông khang trang vừa hoàn thành; bà Bàn Thị Lám thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vay vốn, phát triển kinh tế từ mô hình nuôi trâu, bò; chị Nguyễn Thị Liên làm giàu từ mô hình nuôi ong, trồng chè, cam, rừng... Tất cả đều bảo rằng, những gì mà họ được hưởng, công lớn nhờ bác Đại.
Ông nhiều lần được huyện tặng giấy khen, tuyên dương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng chí Đỗ Mạnh Thống, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Yên nhấn mạnh, ông Vũ Quảng Đại là một cán bộ tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao, uy tín với dân, hết lòng hết sức vì công việc chung. Qua đó, khơi dậy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và huy động được sức mạnh của nhân dân vào sự phát triển mới của quê hương.
Gửi phản hồi
In bài viết