Đó chỉ là một trong nhiều vụ việc liên quan tới vấn đề bản quyền mà cơ quan chức năng đã xử lý trong thời gian qua. Nó cho thấy thái độ quyết liệt, đòi hỏi xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bản quyền, đặc biệt là trên môi trường mạng internet. Bên cạnh việc chịu xử phạt của cơ quan quản lý trong nước, rất nhiều cá nhân đã phải chịu mức phạt nghiêm khắc khi bị các tổ chức, cá nhân nước ngoài phát hiện họ vi phạm bản quyền.
Tuy nhiên, vụ việc này không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo với những ai đang vi phạm bản quyền, mà còn là lời nhắc nhở với công chúng nói chung. Nói vậy bởi website phimmoi.net đã tồn tại suốt từ năm 2014 đến nay và là một trong những website chiếu phim “lậu” có lượng người xem đông đảo nhất.
Quả thật, lâu nay một bộ phận không nhỏ khán giả vẫn có tâm lý thích “xem chùa”. Họ thường chọn những kênh miễn phí, dù biết rằng đó là phim không có bản quyền và chất lượng hình ảnh cũng như âm thanh rất kém. Chính tâm lý này của người xem đã tạo ra “đất sống” cho những người vi phạm tác quyền, giúp họ thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn thông qua hoạt động quảng cáo.
Ai cũng biết, để đầu tư sản xuất một bộ phim thì không chỉ cần có “chất xám” mà còn là mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả “máu” của nhà sản xuất bởi số vốn đầu tư là tiền tỷ, thậm chí hàng chục hay hàng trăm tỷ đồng. Chuyện nhà sản xuất phải cầm cố nhà cửa, chạy vạy khắp nơi để huy động vốn làm phim không hiếm.
Vì vậy, mua vé xem phim ngoài rạp hay chọn xem phim ở những kênh có bản quyền không chỉ là hành động tôn trọng đối với sáng tạo của nhà sản xuất mà còn là nghĩa vụ của người thụ hưởng đối với người cung cấp sản phẩm văn hóa. Từ nguồn thu này, nhà sản xuất mới có thể tiếp tục tái đầu tư, mang đến cho công chúng những sản phẩm chất lượng hơn nữa. Chỉ có tôn trọng bản quyền mới có thể nghĩ xa hơn cho nền điện ảnh trong nước, mới thực hiện thành công công nghiệp văn hóa.
Vì vậy, mỗi người xem hãy “nói không” với các sản phẩm vi phạm bản quyền!
Gửi phản hồi
In bài viết