Bước đi bền vững của du lịch Thanh Hóa

Là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ cả ba vùng địa lý miền núi, đồng bằng và ven biển, Thanh Hóa sở hữu hệ thống di sản văn hóa, thiên nhiên phong phú, hấp dẫn bậc nhất Bắc Trung Bộ.

Những năm gần đây, Thanh Hóa chú trọng việc phát triển du lịch bền vững, xây dựng sản phẩm chất lượng, đa dạng hóa trải nghiệm để thu hút khách du lịch.

thanh-hoa.jpg

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Ảnh: Vũ Minh

Điểm hẹn của di sản và thiên nhiên

Với 102km đường bờ biển, nhiều thắng cảnh nổi tiếng như biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa; Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, suối cá thần Cẩm Lương... Thanh Hóa có đủ điều kiện để phát triển mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, cộng đồng. Thiên nhiên nơi đây không chỉ đẹp mà còn nguyên sơ, mộc mạc, là “vốn quý” để phát triển du lịch “xanh”, bền vững.

Song song với đó là bề dày văn hóa - lịch sử được phản ánh qua hệ thống di tích, di sản đa dạng như Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích lịch sử Lam Kinh, hang Con Moong, Khu di tích Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn... Mỗi điểm đến đều gắn liền với những giai đoạn vàng son của dân tộc và là nguồn tài nguyên vô giá để Thanh Hóa phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng...

Trong những năm gần đây, du lịch Thanh Hóa đã thành công trong việc thu hút khách du lịch bốn mùa bằng việc không ngừng nỗ lực hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có và hình thành các sản phẩm, dịch vụ mới; qua đó thu hút du khách ở cả 3 dòng sản phẩm thế mạnh: Du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử và du lịch sinh thái cộng đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng kết hợp tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quanh năm nhằm tạo nên chuỗi các sự kiện, đem đến cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn, trọn vẹn.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến, năm 2024, Thanh Hóa đón trên 9 triệu lượt khách. Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu đón 16 triệu lượt khách, tổng thu du lịch khoảng 45.500 tỷ đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, đồng thời lan tỏa thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”, ngành Du lịch Thanh Hóa không ngừng làm mới, nâng cấp chất lượng sản phẩm hiện có; đồng thời nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch theo xu hướng lấy trải nghiệm làm trung tâm. Theo đó, năm 2025, nhiều sản phẩm mới mang tính đột phá được Thanh Hóa cho ra mắt như: 12 tuyến trekking xuyên rừng tại các huyện miền núi; Khu nghỉ dưỡng sinh thái Lamori Resort and Spa với tổ hợp nhà hàng nổi, biệt thự bốn mùa, khu chăm sóc sức khỏe, sân golf; không gian nghệ thuật, ẩm thực, giải trí tại Vlasta Sầm Sơn; Công viên nước Sun World Sầm Sơn với tổ hợp trò chơi lần đầu tiên xuất hiện tại Đông Nam Á; hay tổ hợp vui chơi nghỉ dưỡng Flamingo Hải Tiến với phố đi bộ, lễ hội bia, khinh khí cầu, bảo tàng kem...

Du lịch “xanh” - con đường bền vững

Bên cạnh việc khai thác các giá trị văn hóa và thiên nhiên đặc sắc, Thanh Hóa còn chú trọng phát triển du lịch “xanh”, du lịch bền vững nhằm giảm thiểu tối đa tác động đến tài nguyên và hệ sinh thái, trong đó đặc biệt đề cao mối quan hệ hài hòa giữa con người với cảnh quan, giữa du khách với cộng đồng bản địa. Điều này thể hiện rõ trong các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, nơi du khách không chỉ “xem” mà còn sống cùng, hiểu và gắn bó với giá trị địa phương.

Những mô hình du lịch sinh thái tại Pù Luông, Vườn quốc gia Bến En, bản Đôn, bản Năng Cát - thác Ma Hao... đang trở thành điểm sáng, thu hút du khách trong và ngoài nước. Các mô hình này không chỉ thu hút du khách bằng môi trường sinh thái trong lành, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ mà còn thể hiện rõ triết lý phát triển du lịch bền vững: Tôn trọng các giá trị bản địa, hạn chế can thiệp và phát huy giá trị gốc.

Chia sẻ cảm xúc sau hành trình trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại bản Năng Cát - thác Ma Hao (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa), chị Đặng Ngọc Kim, du khách đến từ quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Tôi bị ấn tượng mạnh bởi khung cảnh thiên nhiên hoang sơ cùng những trải nghiệm văn hóa độc đáo của đồng bào người Thái như khám phá kiến trúc nhà sàn cổ, tham gia các trò chơi dân gian như tung còn, nhảy sạp, khua luống; trải nghiệm ẩm thực địa phương hay tìm hiểu nghề truyền thống... Những trải nghiệm này đã giúp tôi có thêm những hiểu biết về con người và vùng đất Thanh Hóa đậm đà bản sắc”.

Để thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển theo hướng “xanh”, bền vững không thể chỉ dừng ở nội lực. “Thanh Hóa hiểu rằng, để tạo ra sức bật mạnh mẽ, phải có sự kết nối, trong đó, mô hình liên kết vùng với Ninh Bình, Nghệ An đang cho thấy hiệu quả rõ rệt” - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến bày tỏ.

Những năm qua, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình thường xuyên duy trì mối liên kết giữa ba địa phương. Hành trình “Ba cố đô - một điểm đến” nối Hoa Lư (Ninh Bình), Lam Kinh - Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) đến Cửa Lò - Vinh (Nghệ An) là ví dụ tiêu biểu về việc khai thác giá trị di sản để tạo thành tour - tuyến chuyên đề hấp dẫn. Bên cạnh việc mở rộng không gian du lịch, mô hình liên kết còn góp phần gia tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao chi tiêu của du khách.

Từ góc nhìn quản lý, theo bà Vương Thị Hải Yến, đây là chiến lược tạo lợi ích “đa chiều”: Tăng cường hiệu quả xúc tiến quảng bá, chia sẻ nguồn lực đầu tư và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cho cả khu vực Bắc Trung Bộ. Từ việc liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, đến tập trung vào du lịch “xanh” cho thấy Thanh Hóa đang bước đi đúng hướng, vững vàng, đầy tiềm năng trên hành trình trở thành điểm đến hàng đầu của du lịch Việt Nam.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục