Chúng tôi về khu tái định cư thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên), hiện ra trước mắt là con đường bê tông phẳng lỳ sạch đẹp, những ngôi nhà khang trang san sát bên nhau, hai bên đường những bông hoa cúc đua nhau khoe sắc thắm tạo nên một khung cảnh trù phú, yên ấm. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới xây khang trang, anh Quan Văn Tuyền, dân tộc Tày, thôn 2 Thuốc Thượng kể lại quãng thời gian ban đầu đầy gian khó khi chuyển về nơi ở mới. Anh Tuyền bảo, hồi ấy, khi chuyển từ xã Trùng Khánh (Na Hang) về đây để nhường đất ở, đất sản xuất cho vùng ngập lòng hồ bà con ai cũng băn khoăn, lo lắng. Bởi về quê mới, mọi thứ phải làm lại từ đầu.
Từ dựng mới nếp nhà đến tìm nơi sản xuất mới rồi đến cả cách sinh hoạt. Nhưng rồi những suy nghĩ ấy đã không còn, bởi về nơi ở mới, được Nhà nước đầu tư đường nhựa, đường bê tông, điện thắp sáng kéo về, bà con bắt tay vào dựng nhà mới, làm chuồng, trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các cán bộ từ tỉnh, huyện, xã cũng xuống tận nơi để hướng dẫn người dân đưa cây con giống phù hợp để phát triển kinh tế.
Với sự năng động, muốn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, anh Tuyền đã đi tham quan các mô hình nuôi hươu trong tỉnh. Anh nhận thấy đây là loài vật dễ nuôi, dễ chăm sóc, hươu chủ yếu ăn cỏ nên chi phí không cao, hiệu quả kinh tế cao nên quyết định mua con giống về nuôi thử từ năm 2017. Nhờ chăm sóc tốt, đàn hươu phát triển tốt, đến nay, anh duy trì có tổng đàn là 7 con (4 con hươu cái và 3 hươu đực). Anh đã trồng hơn 1.000 m2 cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho đàn hươu. Trung bình mỗi năm, anh Tuyền thu lãi trên 50 triệu đồng từ bán nhung hươu và hươu giống. Thu nhập từ nuôi hươu giúp gia đình anh xây căn nhà khang trang, chăm lo cho các con ăn học. Từ thành công của mình, anh Tuyền đã cung cấp hươu giống, hướng dẫn kỹ thuật giúp 3 hộ khác cùng thôn phát triển chăn nuôi hươu mang lại hiệu kinh tế cao.
Từ nuôi hươu giúp gia đình anh Quan Văn Tuyền, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên) thu lãi trên 50 triệu đồng/năm.
Ông Hoàng Văn Quảng, Trưởng thôn 2 Thuốc Thượng cho biết, thôn có 19 hộ với gần 100 nhân khẩu tái định cư. Ngay từ những ngày đầu về nơi ở mới, bà con nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh, huyện tới xã. Các hộ được cấp đất ở và đất sản xuất. Cùng với đó, để phục vụ đời sống của người dân, các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông, điện lưới, nhà văn hóa, sân thể thao... được xây dựng và đưa vào sử dụng. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trong thôn. Hiện nay, bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh thâm canh lúa, các hộ còn trồng cam, trồng cỏ chăn nuôi hươu, trâu, bò. Người dân trong thôn còn đẩy mạnh chăn nuôi, làm dịch vụ, một số người có việc làm ổn định tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, đời sống của người dân đã được nâng lên, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, các hộ đều được sử dụng nước sạch và được sử dụng điện lưới quốc gia…
Đến thôn Phiêng Tạ, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) hôm nay dễ dàng nhận thấy cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá. Những ngôi nhà kiên cố nằm san sát dọc theo những tuyến đường bê tông sạch đẹp. Người dân thi đua lao động sản xuất, làm giàu trên vùng đất mới. Ông Ma Văn Bộ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phiêng Tạ cho biết, thôn có 66 hộ tái định cư là người dân tộc Dao. Ngày mới về cuộc sống còn khó khăn nhưng từ sự hỗ trợ của Nhà nước, các công trình hạ tầng giao thông, điện lưới, trường học, nhà văn hoá được đầu tư hoàn thiện; các chính sách hỗ trợ, cho vay vốn ưu đãi, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới cùng sự tìm tòi, học hỏi cái hay, cái mới của người dân sở tại nên ai cũng yên tâm lao động sản xuất. Giờ ở thôn Phiêng Tạ, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ cây lạc, nghề kinh doanh dịch vụ ngày càng nhiều. Thu nhập trung bình của người dân trong thôn hiện đã đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư hệ thống điện, đường giao thông, công trình thủy lợi, điểm trường đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện để bà con đi lại thuận lợi hơn và đẩy mạnh giao thương, trẻ được học tập chu đáo. Cơ sở hạ tầng đảm bảo đã giúp người dân các khu tái định cư yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Để tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống tái định cư, đến nay, các ngành chức năng, các địa phương giao gần 8,3 triệu m2 đất ruộng 2 vụ lúa; giao gần 2.400 ha đất rừng sản xuất. Có 3.776 hộ được hỗ trợ kinh phí sản xuất; 845 người được đào tạo nghề; 5.573 hộ được hỗ trợ xây dựng hầm biogas, nhà vệ sinh tự hoại… Tại các khu tái định cư đã có 611 hạng mục công trình đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, thủy lợi được đầu tư xây dựng. Ngoài ra, tỉnh còn lồng ghép các chương trình mục tiêu, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Văn Định, Giám đốc Ban Di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang cho biết, đến nay, cơ sở hạ tầng vùng tái định cư được đầu tư đồng bộ, sản xuất của nhân dân các khu, điểm tái định cư trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và có bước phát triển bền vững. Hiện 100% khu tái định cư có đường giao thông được cứng hóa, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Ở hầu hết các điểm tái định cư, người dân bắt nhịp nhanh với cuộc sống mới. Ở các điểm tái định cư Yên Sơn bà con không ngừng mở rộng diện tích sản xuất chè theo hướng hàng hoá; đồng bào tái định cư Chiêm Hóa, Hàm Yên phát triển những mô hình cam, chanh, bưởi; còn người dân tái định cư ở Lâm Bình, Na Hang xây dựng chuồng trại, chăn nuôi trâu, bò theo hướng nhốt chuồng vỗ béo, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Với sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực trong lao động sản xuất, dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng những khu, điểm tái định cư trên địa bàn tỉnh đã thực sự khoác lên mình chiếc áo mới, ấm no và hạnh phúc hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết