Thiệt hại ước tính trên 3,7 tỷ đồng
Do mưa lớn kéo dài, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã bị ngập úng, lũ suối, sạt lở đất gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu. Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 19 giờ, ngày 23-5, toàn tỉnh có 2 người bị thương ở xã Phúc Ninh (Yên Sơn) do sạt lở đất vào nhà; 37 nhà ở, công trình của người dân bị ảnh hưởng do sạt lở taluy; 758,5 ha lúa, 219 ha hoa màu bị ngập nước; 19 con gia súc, 560 gia cầm bị chết; tuyến Quốc lộ 2 đoạn qua xã Trung môn (Yên Sơn) sạt lở 30m kè taluy; 6 tuyến đường tỉnh, đường huyện bị ngập lụt cục bộ; 664,5m3 đường giao thông bị sạt lở; 3 trường học bị ngập học thiết bị dạy học, đổ tường rào. Ước tổng thiệt hại 3,748 tỷ đồng.
Đường vào thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi ( Yên Sơn) bị sạt lở, ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia từ ngày 24 đến ngày 25-5 Bắc bộ vẫn tiếp tục có mưa vừa và mưa to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Trước tình hình mưa lũ và thiệt hại trên địa bàn tỉnh, chiều ngày 23-5, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn 1792/UBND KT chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo đó, các huyện, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 1642/UBND-KT ngày 13-5-2022 về chủ động ứng phó, khắc phục thiên tai trên địa bàn tỉnh; theo dõi diễn biến của thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời người dân chủ động các biện pháp phòng tránh lũ, sạt lở đất; rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thường xảy ra ngập úng, triển khai lực lượng xung kích ở cơ sở sẵn sàng các phương án ứng phó, chủ động di chuyển người dân đến nơi an toàn; triển khai kiểm tra, rà soát các công trình giao thông, thủy lợi, nhất là các công trình đang thi công để bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý các tỉnh huống có thể xảy ra; bố trí lực lượng thường trực 24/24 để tiếp nhận và xử lý mọi tình huống có thể xảy ra. Khi có thiên tai chủ động sử dụng ngân sách địa phương dự phòng cấp huyện để khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân sớm ổn định đời sống, sản xuất và đề xuất kịp thời với UBND tỉnh các trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết.
Sạt lở đất vào nhà dân tại xã Đồng Quý (Sơn Dương).
Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có phương án bố trí, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu; tổ chức theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật thông tin về mưa lũ và chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình thiên tai để kịp thời chỉ đạo giải quyết.
Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các cầu, ngầm tràn khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục nhanh sự cố bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.
Lũ suối tại xóm 9, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang).
Đài khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; chủ động phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để dự báo, thông báo kịp thời thông tin về thời tiết, mưa lũ để các địa phương biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống có hiệu quả, bảo đảm an toàn tuyệt đối tài sản và tính mạng của người dân.
Người dân thôn An Lạc, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) giúp gia đình chị Lý Thị Hòa bị đất sạt lở vào nhà.
Các sở, ban ngành, thuộc tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện và hướng dân, đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, thành phố, trong việc thực hiện chỉ đạo tại văn bản này, báo cáo, đề xuất kịp thời các biện pháp chỉ đạo với UBND tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết