Vì vậy, sân khấu đã và đang thiếu vắng những người giỏi nghề, có trình độ chuyên nghiệp, có thực tế, vốn sống dày dặn và đang bị đứt gãy về sự kế tục. Đây là nhận xét xác đáng nếu nhìn lại hoạt động của nền sân khấu nước nhà những năm qua. Và một trong những nguyên nhân là sự thiếu hụt chiến lược phát triển mang tính đặc thù để đào tạo tài năng sáng tạo sân khấu trong giai đoạn hiện nay.
Tại hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam-Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển” vừa qua, theo PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái, trước đây, ngay sau năm 1954, hòa bình trở lại miền bắc, chúng ta đã bắt tay ngay vào xây dựng nền sân khấu Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, bằng cách cử người đi học nghề sân khấu ở nước ngoài, ưu tiên hàng đầu cho nghề đạo diễn, giúp sân khấu Việt Nam được đổi mới căn bản về hàm lượng văn hóa nghệ thuật.
Kể từ năm 1960, đạo diễn Việt Nam được đào tạo chính quy tại các trường đào tạo sân khấu uy tín nhất thuộc các nước xã hội chủ nghĩa: Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Bulgaria, Romania, Ba Lan, Tiệp Khắc (cũ)… Trở về nước, thế hệ đầu tiên đã trở thành những nhà sư phạm sân khấu và đạo diễn hàng đầu như: Trần Hoạt, Đình Quang, Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Ngô Y Linh, Ngọc Phương… Chính họ đã xuất sắc đào tạo những diễn viên kịch khóa đầu của Trường Sân khấu Việt Nam thành những nghệ sĩ gạo cội của sân khấu nước nhà.
Nước ta còn chủ động mời những đạo diễn giỏi nghề từ Liên Xô sang Việt Nam để thực hành dựng vở cho những đoàn kịch chủ chốt trong nước bấy giờ là: Đoàn Kịch nói Trung ương, Đoàn Kịch nói Nam Bộ, Đoàn Kịch nói Quân đội, Đoàn kịch Điện ảnh… Việc cử người đi học và mời đạo diễn nước ngoài sang Việt Nam dàn dựng những vở lớn đã đưa sân khấu thoát khỏi tính nghiệp dư, trở nên chuyên nghiệp về mọi phương diện. Quá trình này đã mang đến cho sân khấu Việt Nam ba thế hệ đạo diễn “vàng”, góp phần làm nên một thời hoàng kim của sân khấu.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc xây dựng những cơ chế đặc thù về đào tạo trong nước để khôi phục sự thiếu hụt đội ngũ sáng tạo sân khấu, cần có chính sách tập trung vào đào tạo tài năng cho sân khấu. Đã đến lúc cần đưa những cá nhân trẻ triển vọng ra nước ngoài học tập hoặc tập huấn dài hạn ở những nước có nền sân khấu phát triển để học hỏi, tiếp thu những điểm mới và tinh hoa của sân khấu thế giới. Bên cạnh đó, cũng cần có kế hoạch mời các đơn vị sân khấu nổi tiếng thế giới tới biểu diễn định kỳ ở Việt Nam gắn với hoạt động trao đổi, giao lưu, tọa đàm về công tác sáng tác kịch bản, dàn dựng, diễn xuất…
Gửi phản hồi
In bài viết