Cần kết nối giữa cơ sở dữ liệu đường bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 24-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ. Đại biểu Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh tham gia phát biểu góp ý vào một số nội dung của dự án luật.

Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu ý kiến thảo luận.

Tham gia ý kiến vào Điều 8 về cơ sở dữ liệu đường bộ, đại biểu cho rằng, dự thảo luật đang quy định cơ sở dữ liệu đường bộ chỉ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực giao thông. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định để kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu dùng chung, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, phục vụ hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 47 năm 2020 của Chính phủ về quản lý kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Về Điều 10, phân loại đường bộ theo cấp quản lý, đại biểu đề nghị nghiên cứu, chỉnh sửa lại quy định về quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện tại điểm a, b, c khoản 1 cho hợp lý. Theo đại biểu, nhiều tuyến quốc lộ không xuất phát từ Thủ đô Hà Nội hoặc cũng không phải là đường nối liền các trung tâm hành chính cấp tỉnh. Còn đường tỉnh, đường huyện là những tuyến đường nằm trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh hoặc của huyện nên không thể là đường nối trung tâm hành chính của tỉnh/huyện này với trung tâm hành chính của tỉnh/huyện lân cận.

Đối với Điều 15 về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, đại biểu đề nghị sửa lại số thứ tự của khoản 4 thành khoản 3 và chỉnh sửa khoản này thành: “3. Đối với đô thị, khi lập quy hoạch xây dựng phải đảm bảo tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm theo loại đô thị như sau:…”. Theo đại biểu, quá trình hình thành, phát triển của một đô thị là cả một quá trình trong một thời gian dài, đối với các đô thị hiện hữu từ loại IV thì chủ yếu là nâng loại đô thị theo từng giai đoạn, còn đô thị mới chủ yếu là các đô thị loại V.

Về quy định sử dụng hành lang an toàn đường bộ tại Điều 19, đại biểu đề nghị quy định rõ cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện rà soát, đối chiếu xác định phần đất ở còn lại của các hộ gia đình sau khi thu hồi ở hai bên tuyến đường nằm trong phạm vi hành lang đường bộ có đủ điều kiện làm nhà ở hay không? Trường hợp không đủ điều kiện để xây dựng nhà ở (đúng mục đích sử dụng đất) thì thực hiện thu hồi phần đất ở đó vào dự án.

Đối với Điều 20 về phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị nghiên cứu thống nhất về khoảng an toàn cách tối thiểu từ điểm thấp nhất của đường dây phía trên của đường bộ tới điểm cao nhất trên mặt đường quy định trong Luật Đường bộ với các quy định liên quan đến Luật Điện lực.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục