“Đảng viên nói hay, làm dở không ai tin”
Đó là lời chia sẻ của Bí thư Chi bộ trẻ Ma Văn Thập. Làm Bí thư Chi bộ từ năm 2015 đến nay, anh Thập luôn tuyên truyền đến các đảng viên trong chi bộ tinh thần “nói đi đôi với làm”, đừng nói hay nhưng làm dở, nói nhiều làm ít. Bởi vậy, trong các phong trào thi đua của thôn, đảng viên nơi đây đều là những người tiên phong mở đường, mở lối từ trong suy nghĩ và tư duy của nhân dân. Cầu Treo là thôn đặc biệt khó khăn của xã xa xôi Yên Thuận, song giờ đây, hạ tầng của Cầu Treo lại đứng nhất nhì trong xã. Những con đường bê tông hóa mới tinh, phẳng lỳ đã nối liền Cầu Treo với các thôn khác. Đường nội thôn giờ cũng được bê tông hóa gần 100%. Anh Thập bảo, trước đây, chiếc cầu qua suối Đẻm chỉ là chiếc cầu tre, chỉ trận mưa lũ cuốn phăng đi tất cả. Bà con không biết bao lần phải chặt tre, chặt nứa để làm cầu nhưng chỉ được một thời gian, mưa lũ lại cuốn đi sạch. Năm 2022, được Nhà nước đầu tư vốn xây dựng cầu, nhân dân mừng lắm.
Người dân thôn Cầu Treo chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chanh tứ mùa, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Để làm được cầu cần 10 hộ hiến 1.000 m2 đất ruộng ở hai bên đầu cầu. Trong đó có 2 hộ nếu hiến đất là sẽ không còn ruộng để canh tác. Trước khó khăn ấy, anh Thập họp bàn, thống nhất trong chi bộ, anh đề xuất các hộ đóng góp tiền để hỗ trợ 2 gia đình nếu hiến đất cho thôn thì không còn đất ruộng. Riêng bản thân anh Thập tự nguyện đóng góp 5,5 triệu đồng để giúp đỡ 2 hộ này. Anh cùng các đảng viên trong chi bộ vận động nhân dân đóng góp được 60 triệu đồng để hỗ trợ 2 gia đình hiến đất ruộng chuyển đổi nghề nghiệp. Tháng 4 - 2023 cây cầu cứng có chiều rộng 3,5 mét, cao 6 mét, dài 12m được đưa vào sử dụng.
Chúng tôi đến Cầu Treo khi tuyến đường bê tông hóa mới tinh vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuyến đường dài 1 km nhưng có tới 13 hộ hiến 4.000 m2 đất, con đường mới hoàn thành. Trong số 13 hộ hiến đất có 3 hộ là đảng viên đã tiên phong đi đầu. Đảng viên Vi Trung Lịch là hộ có đất trồng chanh ở đầu tuyến. Nếu như ông Lịch không tiên phong hiến trước thì các hộ dân vẫn chưa đồng loạt nhất trí. Khi nắm được chủ trương phải hiến đất, nghĩ rằng “đầu có xuôi đuôi mới lọt”, đảng viên Lịch đã chặt bỏ 40 chục gốc chanh đang sai trĩu quả để thôn mở đường qua vườn chanh nhà mình. Thấy đảng viên Lịch nói ít nhưng lại rất quyết đoán, những hộ có đất phải hiến bảo nhau “nhìn vào đó mà làm”. Ông Lịch chia sẻ: “Tôi là hộ có đất ở đầu tuyến đường, tôi không tiên phong thì ai hiến? Mình là đảng viên, mình còn phải có sứ mệnh mở đường tư tưởng cho bà con mình nữa”.
Cầu qua suối Đẻm thôn Cầu Treo vừa đưa vào sử dụng nhờ sự hiến đất của người dân.
Trong nhiều năm qua, từ tinh thần đầu tàu, nói đi đôi với làm của đảng viên mà Cầu Treo cũng đã huy động sức của, sức người hoàn thành được nhà văn hóa khang trang, làm đường nội đồng. Hạ tầng đổi thay làm cho người dân nơi đây có động lực để phát triển kinh tế.
Giúp dân thoát nghèo
Ở Cầu Treo trước đây, người dân chỉ biết trồng 2 vụ lúa nhưng do thiếu nước canh tác nên có khi chỉ được thu một vụ, một vụ nhân dân trồng ngô lấy hạt nhưng năng suất cũng kém. Nhờ được đi đây đi đó, mở mang tư duy phát triển kinh tế, những đảng viên ở Cầu Treo đã tìm lối đi mới để giúp dân thoát nghèo. Qua rà soát, toàn thôn có gần 10 ha đất trồng lúa nhưng thiếu nước canh tác, chi bộ đã vận động nhân dân chuyển sang trồng cây chanh tứ mùa. Thế nhưng do e dè, sợ thất bại nên có vận động thì các hộ vẫn không có gì chuyển động. Thấy vậy, đảng viên Hồ Văn Kiện đã tiên phong chuyển đổi 1 ha lúa kém năng suất sang trồng chanh tứ mùa. Vài năm đầu cây bói, chưa cho năng suất cao, thu nhập chưa nhiều, ông Kiện vẫn kiên trì, bởi ông cho rằng, nếu mình nản thì sớm muộn bà con cũng sẽ nản, sẽ chẳng tin lời mình nói. Từ những nguồn vốn ít ỏi ban đầu, ông quay vòng rồi vay mượn đầu tư thêm phân bón, công chăm sóc cho cây chanh, chỉ một vài năm sau, mỗi vụ thu hoạch, ông thu từ 3 đến 4 tấn chanh, cứ 2 tháng, ông được thu hái 1 lứa chanh, một năm trung bình ông thu từ 3 - 4 lứa, trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi từ 150 triệu đồng đến 170 triệu đồng từ chanh. Thấy ông giàu lên từ chanh, các hộ trong thôn mới tin và làm theo. Đến nay, toàn thôn có 7 ha chanh tứ mùa được chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả. Gia đình anh Liệu Văn Quốc là một trong các hộ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng chanh cho hiệu quả kinh tế cao. Nhà anh hiện có 2 sào chanh, mỗi lứa gia đình anh thu bình quân từ 5 đến 6 tạ chanh, thu nhập từ 15 đến 17 triệu đồng/lứa, cao hơn gấp 4 lần so với trồng lúa. Anh Liệu cho biết, từ cuộc sống khó khăn trăm bề, thu nhập chỉ đủ ăn, nay vợ chồng anh trồng thêm chanh tứ mùa đã có tiền dành dụm, sửa sang lại ngôi nhà sàn đã xuống cấp.
Đường bê tông liên thôn ở Cầu Treo đã được bê tông hóa nhờ sự hiến đất của 13 hộ dân trong thôn.
Không chỉ trồng chanh, người dân ở đây còn phát triển cây cam sành trên đất đồi dốc và trồng rừng. Toàn thôn hiện có 10 ha cam sành và 50 ha rừng. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn giờ chỉ còn 7/89 hộ. Thôn không còn hộ ở nhà tạm, dột nát. Gia đình Bí thư Chi bộ Ma Văn Thập cũng là hộ đảng viên tiên phong trồng cam trên đất đồi dốc. Hiện gia đình anh có 4 ha cam sành, mỗi năm thu từ 15 đến 20 tấn cam, thu nhập 150 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả kinh tế gia đình mình, anh Thập cũng tích cực hướng dẫn các hộ dân trong thôn trồng cam sành để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Đến Cầu Treo vài năm trước và đến Cầu Treo giờ đây đã có sự đổi thay rõ rệt. Một Cầu Treo không còn xa xôi, cách trở, không còn heo hút ở vùng cao Yên Thuận mà nơi đây đang từng ngày vươn mình nhờ tinh thần tiên phong của đảng viên và sự đồng thuận của người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết