Cuộc đối thoại nhiều năm về trước giữa Hành (trong ảnh) và cán bộ xã Hùng Lợi (Yên Sơn) khiến anh nhớ mãi. Làm cán bộ thôn Nà Mộ khi chỉ mới ngoài 20 tuổi, chàng trai 9x người Mông Lý Văn Hành rút ra rằng, cán bộ đâu có phải lúc nào cũng căng lên, khí thế như nồi nước đang sôi sùng sục đâu. Đôi lúc phải dịu xuống như nước mát ở suối nguồn thì việc mới trôi chảy được đấy!
Cây tựa cây thành rừng
23 tuổi Lý Văn Hành là công an viên, 28 tuổi làm Bí thư chi bộ thôn Nà Mộ. Hai năm nay, Hành là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn và là người uy tín của bản Mông Nà Mộ. Bà con Nà Mộ tin Hành lắm, trẻ người nhưng cái tính biết lo, biết nghĩ thì bằng mấy người cộng lại ấy chứ.
Điều mà suốt nhiều năm qua cán bộ trẻ Lý Văn Hành đau đáu mãi là việc, trước đây một số hộ dân mù quáng đi theo tà đạo, nhà này một kiểu, nhà kia một lối. Bản làng bất an lắm!
Dạo đó, Hành lên Đảng ủy xã họp lên họp xuống, trong túi lưới đeo bên vai có mấy văn bản tuyên truyền, có văn bản có chữ ký, đóng dấu đỏ nặng trình trịch. Nhưng nặng hơn cả là từng câu từng chữ của cán bộ xã cứ quẩn quanh trong đầu, đi xe máy rồi đi bộ nhiều trôi xuống bung. Bụng vừa nóng vừa sôi, sốt ruột lắm! Bởi việc kiên quyết vận động bà con tránh xa tà đạo là việc chính quyền mong muốn. Và Hành thì mong hơn ai hết bởi với anh, bà con Nà Mộ này là một gia đình. Nhà có một vài người không đồng thuận, không đồng lòng, không tin tưởng nhau, đi sai đường thì cán bộ như Hành thấy có lỗi lắm.
Nhiều người già trong bản nhìn thấy con cháu mình đi sai đường cũng sốt ruột hơn cả Hành. Cụ Sùng Văn Hình còn bảo: “Không nghe thì quát cho một trận, thế nào nó cũng nhớ”. Hành nhỏ nhẹ: “Việc này không được quát, được mắng, chỉ được khuyên nhủ thôi, rồi dần dần tìm cách để họ hiểu ra cái đúng, cái sai”.
Vậy là, hành trình của Hành và cán bộ chính quyền địa phương đồng hành giúp bà con không nghe lời kẻ xấu, tránh xa tà đạo là một chặng đường gian nan. Ngày ngày, Hành đã đến tận từng nhà gặp gỡ, chuyện trò tìm hiểu những khó khăn để đưa ra cách giải quyết.
Như trường hợp gia đình anh Lý Văn Ninh cuộc sống khó khăn lại “trẻ người non dạ” nên đã bị dụ dỗ. Hành ngày ngày đến chuyện trò, hướng dẫn, truyền kinh nghiệm cách chăn nuôi, trồng rừng... Dần dà anh Ninh hiểu rằng, phải làm mới có ăn chứ không phải cứ đi tụ tập hát hò, cầu nguyện là khấm khá lên được đâu.
Nhờ sự tâm huyết, khéo léo của Hành, nhiều bà con hiểu ra và thừa nhận rằng, từ ngày theo tà đạo chả được gì cả. Chưa kể trong gia đình vợ chồng cũng lục đục, cãi cọ nhau vì người này theo, người kia không theo tà đạo. Chẳng làm ăn được gì, nghèo khổ đeo bám mãi. Người Mông có câu, “cây tựa cây thành rừng”, có sự đoàn kết, thống nhất thì bản làng mới yên ấm, an vui được. Và chỉ có con đường theo Đảng, Bác Hồ dẫn lối thì mới đúng đắn, ấm no, bình yên.
Bí thư chi bộ, trưởng thôn 9x Lý Văn Hành tuyên truyền chính sách pháp luật cho đồng bào Mông, thôn Nà Mộ.
Thay đổi nhận thức cho bà con
Lý Văn Hành từng tâm sự rằng, từ ngày làm cán bộ, trong thôn có việc gì là bữa cơm đó ăn không ngon miệng được. Lúc nào cũng lo mình không hoàn thành nhiệm vụ, xã trách thì lo nhưng dân làng trách thì đáng lo hơn, áy náy vô cùng. Bởi cái chức này là do bà con tin tưởng mình mà bầu nên ấy chứ. Thế nên lúc nào Hành cũng muốn chu toàn mọi việc.
Mấy năm gần đây, việc tảo hôn cũng khiến Hành mất tâm sức vận động nhiều lắm. Nguyên nhân là do quan niệm lấy vợ, lấy chồng sớm để có “con đàn cháu đống” vẫn còn tồn tại trong nếp nghĩ của nhiều người. Có gia đình cho rằng con gái bước sang tuổi 19, 20 mà chưa có chồng thì bị xếp vào “hàng ế” nên khi chớm dậy thì, có ai dạm hỏi là bố mẹ gật đầu ngay. Cũng còn quan niệm “phải kết hôn sớm thì mới tìm được vợ tốt” nên các chàng trai mới lớn ra sức tìm vợ khi tuổi đời còn quá trẻ.
Hành bảo rằng, việc thay đổi nhận thức không thể trong ngày một, ngày hai nên cần sự quyết tâm lâu dài. Trước hết, muốn vận động được người dân, mình phải là người gương mẫu thực hiện trước, làm gương trước. Vợ chồng Hành sinh 2 con, chăm lo làm ăn, chăm sóc con cái. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Hành cùng cán bộ thôn thực hiện công tác tuyên truyền trực tiếp tại gia đình, lồng ghép tại các cuộc họp thôn để từng bước nâng cao nhận thức cho bà con.
Chị Giàng Thị Mừng cho biết: “Những năm gần đây chúng tôi thường xuyên được tuyên truyền về tình trạng và hậu quả của tảo hôn. Chúng tôi nhận thấy rằng kết hôn sớm sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe các con cũng như sự duy trì giống nòi sau này. Do đó, tôi cũng khuyên bảo con cháu kết hôn đúng độ tuổi để đảm bảo cuộc sống tốt hơn”.
Nhờ sự nhiệt huyết tận tâm của cán bộ Hành, nhiều năm qua tỷ lệ tảo hôn trong thôn giảm rõ rệt, tình trạng hôn nhân cận huyết không còn. Những tập tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi ăn uống rình rang vài ngày giờ không còn nữa. Ví như trước đây, đám cưới, đám ma mất tới 3 ngày 3 đêm thì giờ chỉ còn 2 ngày 1 đêm thôi.
Hành bảo được làm cán bộ thôn, được đi ra ngoài thì mới học hỏi bao điều từ chuyện chăn nuôi, chuyện trồng rừng. Trước đây bà con chỉ quen với việc trồng cây ngắn ngày như ngô, lúa thôi. Anh Lý Văn Hành vận động người dân bắt tay vào việc phát dọn thực bì thu mua cây giống để trồng rừng. Nhận được hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương về vốn vay và đất sản xuất, bản thân anh tiên phong trồng 2 ha cây keo rừng. Nhờ chịu khó học hỏi, chuyển giao đúng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên vườn rừng xanh tốt. Tin theo lời cán bộ Hành, nhiều hộ dân hăng hái cải tạo đồi tạp để phát triển kinh tế. Cả thôn có 129 hộ thì hầu như hộ nào cũng trồng rừng. Hộ anh Lý Văn Anh, Lý Văn Cường, Hoàng Văn Sơn đều có từ 1 - 2 ha vườn rừng.
Anh Hành vận động các hộ dân linh động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như trồng dưa hấu, dưa chuột. Anh Lý Văn Bình bảo: “Được sự hỗ trợ, động viên của cán bộ Hành, gia đình tôi trồng 3 sào dưa hấu. Tháng này đã có thu hoạch mang ra chợ bán rồi đấy”.
Sau thời gian với nhiều thăng trầm, bản làng Nà Mộ trở lại rộn ràng bao điều mới mẻ. Dân bản gặp nhau kể chuyện làm kinh tế, phát triển mô hình mới, dạy nhau cách chăn lợn, chăn bò, nuôi dê. Năm qua, thôn có gần 80% hộ dân đạt gia đình văn hóa, đời sống bà con ngày một nâng lên. Đó chính là niềm vui và động lực để những người cán bộ trẻ như Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lý Văn Hành tiếp tục cống hiến hết mình vì việc làng, việc bản.
Gửi phản hồi
In bài viết