Chuyện lạ...
Trong căn nhà sàn thơm mùi gỗ mới, Bí thư Chi bộ thôn Phiêng Ngàm Hoàng Văn Mạnh cười thật tươi và vui mừng khi gia đình vừa bán được lứa lợn thu về gần 50 triệu đồng. Năm nay lợn bán giá 65 nghìn đồng/kg, thương lái tranh mua vì sợ hết hàng.
Anh Mạnh tâm sự, hành trình đến với con lợn đen bắt đầu từ năm 2005, sau khi ra ở riêng, anh được cha mẹ cho 1 cặp lợn giống. Gia cảnh nghèo, có được 2 con lợn đen giống là quý lắm rồi. Đến năm 2007, anh có trong tay 2 con lợn nái và trên 30 con lợn nuôi thịt. Từ bán lợn đen, anh còn mua được trâu, xây được căn nhà nhỏ. Nhớ nhất năm 2010, sau khi đàn lợn mắc bệnh lép - tô, hao đàn gần 1 nửa, đó cũng là trái đắng đầu tiên trong chăn nuôi của anh. Anh bảo, ngày đó mình chỉ thấy thú y tiêm phòng trâu chứ không ai bảo tiêm phòng lợn, anh mạnh dạn hỏi thú y viên về thuốc tiêm phòng bệnh dịch cho lợn, và được câu trả lời là có nhưng người dân không có nhu cầu.
Anh Bàn Phụ Sênh, thôn Phiêng Thốc, xã Sinh Long đang là hộ có đàn lợn nhiều nhất xã.
Ngày đó, người ta thấy tiêm phòng cho lợn thì lạ lắm nhưng anh thì nghĩ khác. Anh quả quyết với cán bộ thú y: “Vậy thế mua về tiêm cho đàn của tôi, bao nhiêu tiền tôi trả”. Năm đó cả xã Sinh Long có mình anh Mạnh tiêm phòng cho đàn lợn, đúng là chuyện lạ. Năm 2011, nhiều hộ chăn nuôi lợn bị mắc bệnh dịch hao đàn nhưng nhà anh lại bình an, người dân Phiêng Ngàm lúc đó mới thấy hiệu quả của tiêm phòng và cùng nhau thay đổi tập quán chăn nuôi, nâng cao chất lượng đàn lợn.
Đặc thù lợn đen Sinh Long có chất lượng thịt ngon, nhưng nhiều mỡ, trọng lượng đạt đến 100 kg sau 8 tháng nuôi, nếu lạm dụng cám công nghiệp sẽ trở thành điểm yếu của giống lợn này. Với vai trò Trưởng thôn, anh đi từng nhà vận động thay đổi tập quán chăn nuôi. Anh tự tay trồng 1.000 m2 cây chuối rừng, 2.000 m2 ngô lai, dưới chân ruộng ngô anh trồng thêm khoai lang làm thức ăn phối trộn. Anh Mạnh chia sẻ, mình mua máy xát thóc cho người dân miễn phí, nhưng xin vỏ trấu để nghiền ra làm cám chăn lợn. Món ăn này lợn lớn nhanh, nhiều thịt, da hồng hào, thương lái thích lắm.
Người dân mua máy xay xát để tận dụng phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi.
Đòn bẩy thoát nghèo
Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long Hoàng Văn Hào bảo, thương lái “kết” lợn đen Sinh Long đến mức sẵn sàng trả giá lợn giống đến 200 nghìn đồng/kg, lợn thương phẩm luôn ổn định 65 nghìn đồng/kg.
Vượt quãng đường hơn chục km, chúng tôi đến thôn Phiêng Ten gặp chàng trai trẻ người Mông Lầu Văn Ca với lối tư duy mới đang dần thay đổi tập quán chăn nuôi ở nơi đây. Anh Ca kể, năm 2017, anh được đồng chí Hào, Phó Chủ tịch UBND xã tư vấn đưa lợn đen về đây nuôi, lãnh đạo xã giúp đỡ mà không làm thì khiếm nhã quá, anh đầu tư mua 2 con lợn giống và bắt đầu nhân đàn.
Anh học cách làm theo lớp người đi trước, cũng chủ động trồng ngô, trồng chuối làm thức ăn, là người trẻ, lại đi sau nên anh được tư vấn từ cách chăm sóc và kỹ thuật chăn nuôi từng giai đoạn, đến năm 2019, anh Ca có trong tay 3 con lợn nái với trên 30 con lợn thịt nuôi gối đàn. Anh hồ hởi cho biết, cuối năm nay, anh sẽ nhân 5 con lợn nái và cải tạo chuồng quy mô 50 con lợn thịt để phục vụ dịp Tết. Người Mông giờ phải thay đổi, thay vì nuôi vài con đợi nhà có việc để mổ thì giờ nuôi lợn để bán, trở thành hàng hóa thì mới khấm khá được.
Trồng ngô là cách để người dân Sinh Long bổ sung thức ăn cho lợn.
Chiếc xe máy ì ạch kéo một xe cải tiến nguyên chuối rừng và ngô, anh Bàn Phụ Sênh, thôn Phiêng Thốc đang là hộ khá của thôn và của xã nhờ nuôi lợn. Anh Sênh phấn khởi kể, năm nay anh thu hơn 100 triệu đồng từ bán lợn, anh vừa làm thêm chuồng trại quy mô trên 70 con lợn thịt. Nuôi lợn đen thích lắm, chúng phàm ăn, nhanh lớn, đầu ra ổn định. Cầm chiếc điện thoại anh cho tôi xem đơn đặt hàng trên 1 tấn thịt lợn để làm thịt hun khói và thịt chua của một doanh nghiệp ngoài xã, anh bảo, năm nay mình bán thành công đơn này năm sau chắc lợn của xã Sinh Long sẽ lại “cháy’’ hàng, đó là cơ hội cho người dân cả xã Sinh Long trở nên khấm khá.
Sinh Long khi xưa nghèo và bây giờ vẫn chưa có nhiều bứt phá vì chưa có sản phẩm chủ lực, địa hình phức tạp cũng là rào cản lớn. Do đó, nuôi lợn đen là hướng đi để xã vươn lên, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo đang ở mức 88% toàn xã. Toàn xã hiện có trên 4.000 con lợn đen, gần như hộ nào cũng nuôi lợn, thế vẫn chưa đủ cung cấp ra thị trường. Doanh thu mỗi năm từ bán lợn đen trên địa bàn xã đạt khoảng 2,5 tỷ đồng. Có thể nói đây là hướng đi đầy triển vọng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần mở hướng xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ để sản phẩm lợn đen mang lại nhiều giá trị hơn nữa cho người dân nơi này.
Gửi phản hồi
In bài viết