Khởi nghiệp từ nuôi dúi

- Bắt đầu với mô hình nuôi dúi thương phẩm cách đây 3 năm, gia đình ông Lý Văn Vĩ và bà Bàn Thị Quý, người Dao Thanh y ở thôn 6, xã Tân Long (Yên Sơn) là những người đi đầu trong phát triển kinh tế mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với ông Vĩ, khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn nếu đủ ý chí và quyết tâm.

Ngày đầu thử nghiệm nuôi dúi

Khu nuôi dúi của gia đình ông Lý Văn Vĩ và bà Bàn Thị Quý rộng 30 m2. Những âm thanh kẽo kẹt phát ra từ bên trong khiến người ta dễ liên tưởng đến người thợ làm mộc miệt mài. Ông Vĩ cười bảo, những người làm nông, gắn bó với ruộng đồng, núi rừng như chúng tôi không ai là không biết con dúi. Trước đây đi rừng, ông cũng đã từng bắt dúi về nuôi thử. Thế nhưng ngày ấy chưa có kinh nghiệm nên nuôi nhốt được mấy ngày thì dúi xổng chuồng, chạy tuốt trở về rừng.

Mong muốn phát triển kinh tế, có nguồn thu nhập ổn định mà không phải thoát ly quê hương, ông Vĩ cùng con trai là anh Lý Văn Hậu bàn bạc tìm hướng đi mới. Hai bố con ông Vĩ đã chủ động học hỏi ở nhiều nơi, tìm hiểu kỹ về nguồn thức ăn, cách phòng bệnh, chăm sóc, cách làm chuồng nuôi dúi.

Ông Lý Văn Vĩ và bà Bàn Thị Quý, dân tộc Dao tại thôn 6, xã Tân Long phát triển nghề nuôi dúi.


Đầu năm 2020, ông đầu tư gần 100 triệu xây chuồng và nuôi 30 cặp dúi thử nghiệm. “Cái gì cũng phải tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ thì mới hạn chế được rủi ro” - ông Vĩ bảo. Rồi ông cần mẫn giải thích về đặc tính của loài dúi như là ăn đêm, ngủ ngày, không ưa ánh sáng, không uống nước, thích nhiệt độ thấp và có bản tính nhút nhát. Cách xây chuồng cho dúi cũng phải lựa theo những đặc điểm ấy để chúng thích nghi, sinh trưởng và phát triển tốt. Và đặc biệt, để tránh dúi “đào tẩu” như trước đây, chuồng phải được làm kiên cố, che đậy cẩn thận.

Trong ánh đèn trắng vừa phải, chuồng nuôi dúi hiện ra với từng ô vuông được ghép bằng gạch bông lát nền bản to. Tiếng kẹt kẹt miệt mài của loài gặm nhấm hàng đầu với bộ răng sắc nhọn không khiến người ta cảm thấy sợ mà ngược lại, những con dúi của ông Vĩ, bà Quý lại mập mạp, dễ thương như những loài vật cảnh được nuôi trong nhà. Bà Quý cười bảo, con dúi mốc trưởng thành có thể nặng hơn 2 kg với bộ lông mốc xù. Loài này có nguồn gốc là động vật hoang dã nên sức khỏe tốt, ít bệnh, dễ chăm. Mình yêu thương nó như bao loài vật nuôi khác trong nhà thì chắc chắn nó sẽ chẳng phụ công mình.   

Bà Bàn Thị Quý chuẩn bị thức ăn cho dúi hàng ngày.

Triển vọng mới

Mô hình nuôi dúi cho thu nhập cao đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người nông dân trên địa bàn xã Tân Long. Trong đó, mô hình của gia đình ông Vĩ, bà Quý là một trong những hộ tiên phong đi đầu nay đã dần đi vào ổn định. Đến nay gia đình ông Vĩ có 350 con dúi, hàng ngày tiêu thụ từ 60 -70 kg thức ăn. Trung bình mỗi cặp dúi giống nhỏ bán ra thị trường có giá khoảng 1,2 triệu đồng/cặp, cặp giống lớn có giá 4 triệu đồng/cặp. Mỗi năm nếu xuất chuồng được 100 con dúi trưởng thành, gia đình ông cũng có thêm thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ vậy, đời sống của gia đình ngày một khấm khá.

Bà Bàn Thị Quý tay thoăn thoắt chặt mía thành những đoạn nhỏ, vừa cười bảo, mía ngọt chính là thức ăn mà dúi yêu thích nhất. Thế nhưng cũng không thể cho ăn quá nhiều mà phải xen kẽ với các loại khác như tre, ngô, cỏ voi, sắn. Tận dụng đất đồng, đất nương, vợ chồng ông bà trồng thêm tre, mía để làm thức ăn cho dúi. Lấy phân dúi đã được ủ và xử lý để bón cho cây. Với bà Quý, nuôi dúi thuận lợi nhất chính là nhờ tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào, phong phú tại địa phương. Giờ đây, nuôi dúi đã dần khẳng định sự lựa chọn của ông Vĩ, bà Quý là đúng đắn với niềm hạnh phúc khi vừa có thể phát triển kinh tế ổn định mà vẫn được gắn bó với đồng đất quê hương.

 Mỗi con dúi trưởng thành có thể nặng đến hơn 2 kg, bán ra thị trường với giá trung bình 500 nghìn đồng/kg.

hững tháng ngày hè nắng nóng có lẽ chính là khoảng thời gian mà người nuôi dúi vất vả nhất bởi phải thường xuyên theo dõi để tách đàn, làm mát chuồng dúi, không để dúi bị sốc nhiệt. Dù hạn chế sinh sản mùa nóng, thế nhưng đây lại là thời điểm lý tưởng để nuôi dưỡng và bán con giống. Ông Quý bảo, nuôi dúi không dễ cũng không khó, quan trọng mình phải gắn bó, phải hiểu nó thì mới có thể chăm sóc và nuôi dưỡng tốt được. Đặc biệt loài vật này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi các loại gia súc, gia cầm khác. Hiện nay thị trường tiêu thụ dúi cũng khá ổn định. Thương lái đến tận nhà để tìm mua, ông bà cũng không phải vất vả mang đi xa bán. Ông mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nguồn vốn để đầu tư, mở rộng quy mô, tăng số lượng đàn để nâng cao thu nhập.

Đã nhiều lần, mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi dúi của gia đình ông Vĩ, bà Quý được bà con trên địa bàn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đồng chí Hoàng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long khẳng định, nuôi dúi đã và đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với những ưu điểm như nguồn thức ăn dồi dào, chi phí đầu tư không quá lớn, không gây ô nhiễm môi trường, giá trị kinh tế cao, chúng tôi mong muốn mô hình sẽ được nhân rộng để giúp bà con địa phương nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Mô hình chăn nuôi của ông bà Vĩ Quý cũng thể hiện sự đổi mới, tìm tòi, học hỏi trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống cần được phát huy.

Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục