“Không thử sao biết mình không làm được!”
Năm 2014, khái niệm du lịch cộng đồng với người Tày ở Nà Tông vẫn còn xa lạ lắm. Khi huyện có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng, lấy những hộ dân có nhà sàn sạch đẹp, có khuôn viên rộng rãi thoáng mát để chỉnh trang, cải tạo làm nơi đón khách du lịch, không mấy người muốn làm.
Chị Triệu Thị Xướng bên gian hàng thổ cẩm.
Người Tày ở Nà Tông vốn hiếu khách, nhưng cũng rụt rè. Khách đến nhà, bà con sẵn sàng tiếp đón bằng những món ngon nhất, nhưng bảo họ đón khách lạ đến ở cùng, là cả một vấn đề... Chị Xướng lúc này đang là Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn Nà Tông. Khi rà soát các hộ gia đình có đủ điều kiện để đón khách, nhà chị lọt Top nhà có triển vọng nhất, vì diện tích rộng rãi, khuôn viên cũng thoáng mát, sạch sẽ, lại nằm ngay tuyến đường dẫn đến nhiều danh thắng nổi tiếng của Lâm Bình như Thác Khuổi Nhi, Cọc Vài, Bản Cài... Hai vợ chồng lúc đầu cũng lấn cấn lắm. “Cả đời chỉ biết làm ruộng, giờ làm cái hôm - tây, chẳng biết dọc ngang như nào...” - Chị Xướng chia sẻ thế.
Nhưng nếu không thử, sao biết mình không làm được. Những ngày đi tập huấn công tác hội phụ nữ, câu nói của Bác Hồ được các chị em trong hội truyền tai nhau nhiều nhất chính là “... chị em phải cố gắng học tập. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được...”. Thế là hai vợ chồng quyết tâm “khai mở” cho công cuộc mới mẻ này.
300 triệu đồng tiền tích cóp và vay vốn ngân hàng được anh chị dồn vào cải tạo lại ngôi nhà, chỉnh trang khuôn viên. Chị bảo, lúc đấy mình chỉ nghĩ, cứ bỏ tiền ra trước, không thành công, chí ít cũng có ngôi nhà đẹp để ở.
Năm đầu tiên, tiền thu từ du lịch của gia đình chỉ đạt 30 triệu đồng.
Tôi hỏi, 30 triệu đồng, so với 300 triệu đồng đã bỏ ra, chị có thấy nản không?
Người phụ nữ cười sảng khoái, lắc đầu: Trong đầu mình, từ khi quyết định đi theo con đường này, chưa bao giờ thấy nản cả. Vì trong cái mất, có cái được, mà những cái mình được nhiều lắm. Trong các lớp đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở miền Bắc như Hà Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình do tỉnh, do huyện và cả xã tổ chức, chị Xướng cố gắng sắp xếp thời gian đi học hỏi đủ cả. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, sau mỗi chuyến đi, chị lại được học thêm một chút từ cách bài trí nhà cửa, cách đón tiếp khách, cách giao lưu, trò chuyện và cung cách phục vụ sao cho vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.
Du khách trải nghiệm làm bánh tại Homestay Hoàng Tuấn.
Lửa thử vàng...
Những chuyến đi đã giúp chị Triệu Thị Xướng hiểu ra nhiều điều. Nhu cầu của khách du lịch khi đến với các bản làng vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là để trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo, riêng có.
Chị Xướng đưa chiếc khung cửi mình vẫn dệt vải bày biện ở nơi dễ thấy nhất. Cối giã gạo, cối xay, cày, bừa... những thứ đồ vật tưởng như quê mùa, hóa ra lại trở thành món đồ thu hút khách. Các sản phẩm sử dụng phục vụ khách cũng ưu tiên chọn những thứ do chính bàn tay người Tày mình làm ra, từ vỏ chăn gối, ga, đệm đến cốc chén. Trong khuôn viên Homestay, chị Xướng để dành riêng một gian để giới thiệu các sản phẩm làm từ thổ cẩm của người dân địa phương. Cách bài trí hợp lý, nên gian hàng trở thành điểm nhấn yêu thích của hầu hết khách du lịch đến với Homestay của gia đình chị.
Khách du lịch cùng trải nghiệm các hoạt động tại Homestay Hoàng Tuấn.
Công cuộc “ném lao phải theo lao” của chị cũng ngày càng bạo hơn. Nhận định xu hướng khách du lịch yêu thích du lịch cộng đồng, du lịch khám phá sẽ ngày càng tăng, khi quá trình đô thị hóa và áp lực công việc ở đô thị ngày càng lớn, chị Xướng mạnh tay đầu tư hơn 1 tỷ đồng để nâng cấp Homestay, mở rộng quy mô phòng nghỉ. Chị bảo, thật ra càng dấn thân vào làm du lịch, chị càng nhận ra đây thực sự là công việc vất vả, nhưng phù hợp với mình. Công việc này không chỉ giúp cho gia đình chị nguồn thu nhập, mà còn cho chị có thêm nhiều trải nghiệm, có cơ hội được mở mang tầm nhìn và trở nên tự tin hơn bao giờ hết.
Chị Xướng bảo, câu chuyện làm du lịch bắt đầu khởi sắc từ khoảng 5 năm trở lại đây. Lượng khách đổ về Lâm Bình ngày càng nhiều. Số hộ làm dịch vụ như gia đình chị cũng không ngừng tăng lên, từ 4 - 5 hộ, giờ đã tăng lên 14 - 15 hộ. Những gia đình không đón khách du lịch, thì cung ứng các dịch vụ khác như dệt thổ cẩm, cung cấp nông sản và dịch vụ xe đạp, thuyền và các dịch vụ khác như nấu ăn, dọn dẹp. Với kinh nghiệm của người đi trước, ai cần gì chị đều hỗ trợ nhiệt tình, ai không cần, chị thấy cách làm có điều gì chưa hợp lý cũng góp ý để cùng sửa. Chị bảo, mình may mắn đi trước, được làm trước, giờ thấy người đi sau lúng túng, lại thấy thương và lo! Thương là bởi nghĩ đến mình những năm đầu tiên chập chững, chẳng biết nhìn vào ai mà học hỏi, rút kinh nghiệm. Lo là sợ họ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà làm mai một, phai biến dần bản sắc của dân tộc mình. Nên mình cứ phải để ý, mà nhắc nhở.
Nà Tông giờ đã trở thành làng du lịch “bắt buộc phải đến” khi du khách đến Lâm Bình. Càng tự hào hơn, khi vừa rồi, ngôi làng này là 1 trong 130 bản làng du lịch của 11 nền kinh tế APEC được Ban Thư ký APEC chọn quảng bá giới thiệu du lịch trên website APEC.
Trong nắng mới, dáng vẻ thanh thoát của người phụ nữ vận trên mình bộ trang phục chàm của người Tày nhanh nhẹn đón đoàn khách vừa dừng xe trước cổng nhà như bóng hoa trong sương núi. Trước khi chia tay, người phụ nữ ấy cười tự tin, chia sẻ dự định tương lai, là sẽ tự quay lại những hoạt động thường ngày ở quê mình, để quảng bá văn hóa bản địa đến khách phương xa.
Gửi phản hồi
In bài viết