Chí bền của người thương binh già ở Nà Làng

- Là thương binh hạng 3/4, gia cảnh khó khăn, 7 người con thì có tới 3 người nhiễm chất độc hóa học nhưng với tinh thần phải vươn lên, buông xuôi là thất bại, thương binh Nông Đức Thành, thôn Nà Làng, xã Thanh Tương (Na Hang) đã quyết tâm làm giàu.

Ông Thành cũng là bác sỹ thú y của người dân trong thôn.

Cứ làm rồi sẽ có “quả ngọt”

Ông Thành nhập ngũ khi chưa đầy 20 tuổi, ngày đấy cả thôn có ông là trẻ nhất đi bộ đội. Ông kể, lúc đi bố mẹ khóc hết nước mắt, nhưng trẻ là xông pha đứng lên bảo vệ Tổ quốc nên ông quyết dứt áo lên đường. Trải qua thời gian binh nghiệp chiến đấu ở mặt trận đường 9 Nam Lào, cuối năm 1972, ông trở về quê hương mang theo giám định thương binh hạng 3/4 và nhiễm chất độc hóa học.

Sẵn là người can trường, sau 2 tháng nghỉ ngơi ông bắt tay ngay vào việc “vác tù và hàng tổng”, được bầu là Trưởng thôn ông trăn trở lắm. Ông Thành mở tủ, lấy cuốn sổ viết tay về giao khoán, nét chữ bay bổng khiến tôi thật sự bất ngờ. Ông kể, ngày đó ông là quản lý lò gạch đầu tiên của xã, người dân nô nức làm và cũng có thu nhập, nhưng làm hay bị thất thoát do không có ai làm kế toán, ông đảm nhiệm luôn vai trò kế toán, cứ sáng sớm đi làm, tối mịt sổ sách xong mới về, bận rộn lắm.

Cuộc sống cứ thế qua đi, đến năm 1993, ông Thành được nghỉ chế độ, ông tự nhận là người không may mắn, có 7 người con thì có tới 3 người nhiễm chất độc hóa học, từ lúc nghỉ chỉ loay hoay đi làm và kiếm tiền trang trải chi phí chữa bệnh cho các con. Ngày ấy, ông vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang số tiền 30 triệu đồng, cải tạo được 1 ha đất để trồng cây mía. Sau 1 năm cây mướt mát là thế nhưng không có vị, dù buồn lắm, ông vẫn phá bỏ và chuyển sang trồng ngô để duy trì cuộc sống. Năm 2006, ông lại quyết định thử sức với cây cam, nhưng được 2 năm, cây cam chết dần do đất thiếu nước, nghèo dinh dưỡng, cây có quả thì quả bị khô không tiêu thụ nổi. Một lần nữa ông lại tìm về với cây ngô để trồng. Người dân làng trên, xóm dưới nhìn ông với con mắt đầy sự nghi hoặc, họ còn đồn, ông Thành cứ làm là thất bại, nên ông có bảo làm gì, tốt nhất đừng nghe.

“Chắc do ông trời thương” - ông trầm ngâm bảo, năm 2007, ông bắt đầu nuôi gà đồi, ngày đó ai cũng bảo: “Rồi lại thất bại thôi”. Thế nhưng chính bởi những lời cay đắng ấy lại như thôi thúc ông. Ông tự học cách phòng bệnh, tự tiêm phòng, cuối năm đó, ông bán được hơn 1 tấn gà thịt, thu về hơn 100 triệu đồng. Lần đầu tiên làm kinh tế thành công ông vui lắm, có vốn ông tiếp tục nuôi lợn đen, nuôi trâu sinh sản. Lúc cao điểm ông có tới 700 con gà thịt, 80 con lợn đen và 10 con trâu nái. Ông Thành đã trở thành triệu phú giữa làng quê nghèo.

Ông Thành chăm sóc đàn dê của gia đình.

Những trăn trở

Ông chua xót: “Thấy tôi làm được nhưng đi tuyên truyền thì người dân vẫn nghi ngờ không nghe theo, cho đến hôm nay tôi vẫn là lữ khách trên hành trình đơn độc”.

Với cái tâm của người lính cụ Hồ, có của ăn của để, ông Thành bắt đầu đi vận động bà con cùng làm. Nhớ lại năm 2007, khi có chủ trương liên kết trồng rừng, ông vận động bà con cùng làm với Hạt Kiểm lâm Na Hang và được nhận tiền công chăm sóc hàng năm. Ông bảo, chủ trương này rất hợp với hộ nghèo, nhưng ai cũng chỉ nghĩ cái lợi trước mắt mà nhất quyết không làm. Ông còn mời cả ông Quan Văn Lệnh, lúc đó là kiểm lâm viên đi cùng để tuyên truyền cho người dân tin tưởng nhưng vẫn là số 0 tròn trĩnh. Ông đứng ra nhận chăm sóc 13 ha cây mỡ với vai trò đảng viên làm trước, ông phân tích, có thể trước mắt không lợi như rừng trồng hộ gia đình, nhưng liên kết không mất vốn, hàng năm cũng có một số tiền nhỏ để trang trải cuộc sống, ấy vậy mà vẫn không ai làm.

 Ông kể tiếp, ngày đó nuôi gà thành công, đi vận động người dân xung quanh nuôi xong hỗ trợ giống nhưng vẫn thất bại. Anh Ma Văn Tiếp, thôn Nà Làng nhớ lại, anh là điển hình của sự nông nổi tuổi trẻ, ngày đó nếu nghe lời ông Thành thì anh đã có cuộc sống ổn định chứ không phải lang bạt kiếm sống như bây giờ. Anh tự tin bảo: “Nhưng giờ mình sẽ thay đổi, sự bắt đầu chưa bao giờ là muộn”.

Trong xã Thanh Tương cũng có nhiều người học ông Thành mà trở thành hộ khá như gia đình anh Phùng Văn Hoàng, thôn Yên Thượng. Năm 2010, sau khi thấy mô hình kinh tế của ông Thành làm ăn có hiệu quả, anh Hoàng chủ động “khăn gói quả mướp” đến học cách làm giàu, được chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà, nuôi trâu, nuôi lợn. Sau vài năm kiên trì cố gắng, đến nay, mỗi năm anh có thu nhập vài trăm triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp.

Làm kinh tế ở xã Thanh Tương thực sự rất khó, tư tưởng của người dân chỉ cố hữu với giống cây, con cũ, không có sự liên kết giữa các nhóm hộ nên sản phẩm làm ra luôn bán không được giá, đơn cử như giá lợn, giá gà thịt đều thấp hơn từ  5 đến 7 giá là chuyện thường. Giờ vận động làm mới thì không ai làm, ai cũng sợ thất bại. Ông Thành ví dụ, ông đang hướng chuyển đổi diện tích đất sang trồng cây dược liệu, nhưng quy định liên kết phải có tối thiểu 2 ha, đi vận động người dân góp đất cùng nhưng tuyệt nhiên không ai nghe theo, ai cũng bảo trồng ngô khéo còn có ăn chứ trồng dược liệu khéo lại thất bại. Chúng tôi nghe cũng thấu hiểu phần nào sự bất lực của ông.

 Trong gia trại rộng 1 ha nằm cách nhà gần 1 km, ông Thành bố trí chuồng trại khoa học, sạch sẽ, năm nay ông chuyển dần sang nuôi dê và nuôi lợn, duy trì đàn gà quy mô hơn 100 con do đảm bảo điều kiện chăm sóc. Ông bảo, chỉ cần có vốn, có sự chung tay của người dân, tôi đảm bảo thôn Nà Làng sẽ sớm có sản phẩm OCOP, sẽ không bị thương lái ép giá đầu ra như bây giờ, nhưng thay đổi được tư duy thì cần có nhiều thời gian.

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục